Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bạn cần biết về hậu quả khôn lường của bệnh tay chân miệng

(VOH) – VOH online giới thiệu đến bạn đọc chuyên đề sức khỏe về bệnh tay chân miệng.

Tay chân miệng là căn bệnh dễ lây và để lại những di chứng nặng nề nếu không phát hiện sớm và điều trị tích cực. Quý vị phụ huynh cần hiểu biết đầy đủ nguyên nhân và hậu quả của bệnh, từ đó mới đưa ra được cách phòng tránh bệnh cho con nhỏ.

Nguyên nhân bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng do vi rút thuộc nhóm Enterovirus gây nên. Enterovirus (EV) gồm nhóm: Poliovirus, Coxsackie và Echovirus.

Do có nhiều nhóm virus nên mỗi lần nhiễm bệnh, cơ thể người chỉ tạo ra kháng thể với một loại vi rút nhất định. Điều đó có nghĩa là trẻ em có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần nếu bị nhiễm vi rút khác thuộc nhóm enterovirus. 

Trong nhóm Enterovirus thì EV 71 có độc tính rất mạnh, có khả năng làm tổn thương tổ chức thần kinh trung ương, gây ra biến chứng nặng và để lại hậu quả xấu. Thời gian gần đây, dịch tay chân miệng ở các nước Đông Nam Á chủ yếu do Enterovirus 71 gây ra.

Vi rút Coxsackie chia thành 2 nhóm: nhóm A và nhóm B. Coxsackie A gây viêm họng, phát ban ngoài da, bệnh tay chân miệng, gây viêm kết mạc chảy máu, viêm màng não vô khuẩn... Coxsackie B gây viêm cơ tim ở trẻ sơ sinh, viêm đường hô hấp trên, viêm màng ngoài tim, viêm màng trong tim...

bàn tay của bé mắc bệnh tay chân miệng voh.com.vn

Bàn tay của em bé mắc bệnh tay chân miệng (Ảnh: regional derm)

Vi rút Enterovirus xâm nhập vào cơ thể thường khu trú ở niêm mạc má hoặc niêm mạc ruột. Sau khoảng 24 giờ, vi rút sẽ đi đến các hạch bạch huyết xung quanh rồi xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng huyết. Từ nhiễm trùng huyết, vi rút đến niêm mạc miệng và da.

Nguồn gây bệnh tay chân miệng chính là người bị bệnh tay chân miệng và người bệnh dễ lây lan cho người khác nhất là trong tuần đầu tiên bị bệnh thông qua dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng hoặc phân của bệnh nhân.

Thời kỳ ủ bệnh tay chân miệng thường kéo dài từ 3 – 7 ngày. Nếu không có biện pháp cách ly, người bệnh sẽ tiếp tục lây bệnh cho người khác.

Hậu quả của bệnh tay chân miệng 

Mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm vi rút Enterovirus nhưng không phải tất cả đều bị bệnh mà bệnh chỉ xảy ra ở những cơ thể không có miễn dịch chống lại Enterovirus. Trẻ sơ sinh, trẻ em và ngay cả thiếu niên, người trưởng thành nếu chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh tay chân miệng.

Một khi bệnh tay chân miệng xuất hiện nếu không phát hiện sớm, lơ là trong chữa trị sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường trước mà nặng nhất là tử vong. Do đó, mọi người đặc biệt lưu ý hậu quả mà tay chân miệng gây ra để tăng cường cảnh giác.

* Giai đoạn nhẹ:

Người bệnh sốt, sau đó xuất hiện các bọng nước ở niêm mạc miệng (ở nướu răng, lưỡi, bên trong má) và xuất hiện ban đỏ ở bàn tay, bàn chân. Một số trường hợp có thể xuất hiện ở vị trí khác trên cơ thể như mông. Các ban đỏ này có thể hình thành các bọng nước. 

Các bọng nước ở miệng thường vỡ ra và gây loét làm cho trẻ đau đớn, khóc nhiều, ăn kém hoặc sợ không dám ăn cho nên trẻ gầy sút nhanh.

Các bọng nước ở tay, chân khi vỡ ra nếu không giữ vệ sinh sạch sẽ rất có thể bị nhiễm thêm vi khuẩn gây mưng mủ và làm bệnh phức tạp thêm.

dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ em voh.com.vn

Vùng da bị tổn thương của một bé bị tay chân miệng (Ảnh: Pinterest)

* Giai đoạn nặng:

Hầu hết các trường hợp bị bệnh tay chân miệng sẽ qua khỏi nhưng nếu nguyên nhân gây bệnh là virus EV71 thì bệnh diễn biến phức tạp hơn, nhất là khi vi rút gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, gây bệnh viêm màng não điển hình với biểu hiện là sốt cao, nhức đầu, cứng cổ, buồn nôn, nôn vọt.

Giai đoạn bệnh tay chân miệng nặng thường dẫn đến biến chứng là viêm màng não, viêm não màng não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp do thần kinh.

Các biến chứng cũng có thể phối hợp với nhau như: viêm não màng não, phù phổi và viêm cơ tim trên cùng 1 bệnh nhân.

Ở giai đoạn năng, các biến chứng này thường gây tử vong cao và diễn tiến rất nhanh chỉ trong 24 giờ.

Trên đây là nguyên nhân và hậu quả của bệnh tay chân miệng, căn bệnh dễ lẫn lộn với các bệnh thông thường khác và để lại di chứng nặng nề.

Thường vào mùa bị tay chân miệng, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nhất do tính hiếu động, môi trường giao tiếp và sức đề kháng. Do đó nhất thiết mọi người cần hiểu rõ các giai đoạn bệnh tay chân miệng để sớm nhận biết và có giải pháp xử lý kịp thời.

Điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà thường mắc phải những sai lầm sau: (VOH) - Bệnh tay chân miệng có thể điều trị tại nhà trong trường hợp bệnh nhẹ - tương đương cấp độ 1 của bệnh.

4 lý do khiến bệnh tay chân miệng nguy hiểm với trẻ em: (VOH) - Bệnh tay chân miệng dễ truyền nhiễm. dễ chữa nhưng cũng dễ biến chứng nặng. Dưới đây là 5 nguyên nhân khiến bệnh trở nên nguy hiểm.
Bình luận