Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào, dấu hiệu bệnh có dễ nhận biết?

(VOH) – Bệnh bạch hầu là một loại bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh có khả năng lây lan cao và có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm khôn lường.

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Các loài vi khuẩn Corynebacterium khác, gồm C. ulcerans and C. pseudotuberculosis, cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh, nhưng những trường hợp này khá hiếm. 

Con đường lây truyền bệnh của vi khuẩn bạch hầu chủ là lây theo đường hô hấp do người bệnh mang vi khuẩn bạch hầu, nói chuyện, ho, hắt hơi.... bắn vi khuẩn vào không khí theo hơi thở và theo các giọt nước bọt nhỏ li ti. Ngoài ra, việc trẻ nhỏ sử dụng chung các đồ chơi, vật dụng có chứa vi khuẩn cũng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn bạch hầu phát tán.

Bệnh bạch hầu nguy hiểm thế nào?

Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh bạch hầu. Vi khuẩn này có chứa một loại độc tố cực kỳ mạnh (ngoại độc tố) có khả năng gây nên các thể bệnh như: bạch hầu họng, bạch hầu thanh quản... do chất giả mạc che kín thanh quản làm cho bệnh nhân không có không khí để thở, gây suy hô hấp và có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

benh-bach-hau-nguy-hiem-nhu-the-nao-dau-hieu-benh-co-de-nhan-biet-voh

Bệnh bạch hầu không được điều trị có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm (Nguồn: Internet)

Bệnh cạnh đó, một thể bệnh bạch hầu không kém phần nguy hiểm đó là bạch hầu cấp có thể biến chứng thành viêm cơ tim và viêm dây thần kinh nếu người bệnh chủ quan, phát hiện muộn.

  • Biến chứng viêm cơ tim: Có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc cũng có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi bệnh đã khỏi. Viêm cơ tim thường xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tiên lượng thường xấu và có thể gây tử vong.
  • Biến chứng viêm dây thần kinh: Thường gây ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và có thể phục hồi hoàn nếu bệnh nhân không tử vong vì biến chứng khác. Viêm dây thần kinh sẽ khiến bệnh nhân bị liệt màn khẩu cái (màn hầu) vào tuần thứ 3 của bệnh; liệt dây thần kinh vận nhãn, cơ chi và liệt cơ hoành vào tuần thứ 5 của bệnh. Bệnh viêm phổi và suy hô hấp có thể xuất hiện do hậu quả của liệt cơ hoành.

Ngoài những biến chứng trên, bệnh bạch hầu còn có thể gây ra rất nhiều biến chứng khác như: viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắc nghẽn đường hấp thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là trẻ trong giai đoạn nhũ nhi.

Bệnh có thể khỏi hoàn toàn hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6 – 10 ngày. Tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 5 – 10%, có thể tăng cao đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.

>>> Xem thêmDanh sách 10 bệnh truyền nhiễm dễ mắc phải nếu phòng tránh không đúng cách

Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu thường có nhiều thể lâm sàng khác nhau, phổ biến nhất là bệnh bạch hầu họng, bạch hầu thanh quản, bạch hầu mũi, bạch hầu mắt và bạch hầu da ít gặp hơn.

Các triệu chứng của bệnh bạch hầu thường sẽ xuất hiện trong vòng 2-5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn. Một số người sẽ không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào trong khi một số người khác sẽ xuất hiện các triệu chứng như:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Sưng các tuyến ở cổ
  • Ho ông ổng
  • Viêm họng, sưng họng
  • Da xanh tái
  • Chảy nước dãi
  • Có cảm giác lo lắng, sợ hãi.
  • Đặc biệt, triệu chứng dễ nhận thấy và phổ biến nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. 

Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể sẽ xuất hiện thêm trong quá trình bệnh tiến triển, bao gồm:

  •  Khó thở hoặc khó nuốt
  • Thay đổi thị lực
  • Nói lắp
  • Dấu hiệu sốc, ví dụ như da tái và lạnh, vã mồ hôi và tim đập nhanh

Lưu ý: Bệnh bạch hầu thường khởi đầu như một đợt cảm lạnh thông thường, viêm họng, viêm amidan hay viêm amidan và thậm chí có thể biểu hiện như một bệnh nhiễm trùng da.

>>> Xem thêm: Trẻ bị viêm amidan nguy hiểm ra sao, điều trị thế nào là tốt nhất?

Nên chủ động phòng ngừa bệnh bạch hầu bằng cách tiêm vắc-xin

Hiện nay, bệnh bạch hầu đã có thuốc điều trị, tuy nhiên nếu bệnh được phát hiện muộn và điều trị chậm trễ bệnh nhân vẫn có thể bị tử vong. Do đó, việc chủ động phòng ngừa là điều hết sức cần thiết và quan trọng.

benh-bach-hau-nguy-hiem-the-nao-dau-hieu-benh-co-de-nhan-biet-1-voh

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất (Nguồn: Internet)

Tiêm vắc-xin chính là giải pháp phòng bệnh hiệu quả và an toàn nhất. Ngoài ra, để tránh lây nhiễm bệnh cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Người bị bệnh bạch hầu cần được cách ly không được tiếp xúc với người lành.
  • Cần đeo khẩu trang cho cả người bệnh và người chăm sóc để tránh lây nhiễm.
  • Vệ sinh sạch sẽ các đồ dùng, dụng cụ mà người bệnh đã sử dụng, nên sử dụng các chất sát khuẩn mạnh để tẩy uế các dụng cụ, sàn nhà, quần áo, chăn, màn... của người bệnh.

Bệnh bạch hầu thường xuất hiện trong những tháng lạnh ở vùng ôn đới, tuy nhiên bệnh có thể tản phát và phát triển thành dịch. Do đó, mọi người cần chủ động phòng ngừa và đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, nhằm hạn chế mức thấp nhất những biến chứng mà bệnh có thể gây ra.

Bình luận