Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bệnh lý tuyến giáp khi mang thai - những điều mẹ bầu cần biết

(VOH) –  Các bệnh lý tuyến giáp được xem là nỗi ám ảnh của mẹ bầu vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Do đó, nhận biết và điều trị kịp thời bệnh lý tuyến giáp là vô cùng cần thiết.

Tuyến giáp được xem là tuyến nội tuyết lớn nhất trong cơ thể, có hình chữ H (giống hình cánh bướm). Tuyến nội tiết này đóng một vai trò quan trọng trong cơ thể, bởi nó quy định mọi hoạt động của não, tim, các hoạt động thần kinh cơ, phổi, hoạt động của hô hấp trao đổi oxy... 

Những thay đổi về chức năng tuyến giáp trong giai đoạn thai kỳ

Trong giai đoạn thai kỳ, tất cả những tuyến nội tiết trong cơ thể đều thay đổi, nguyên nhân là do khi mang thai một lượng nội tiết thai kỳ sẽ tiết ra và tăng dần theo thời gian để đảm bảo bào thai có thể sống và phát triển tốt. Tuy nhiên, khi lượng nội tiết thai kỳ tăng lên lại gây ảnh hưởng ngược lại đối với một số hormone mà tuyến giáp tiết ra.

Có 2 loại hormone chính được tuyến giáp tiết ra, gọi là T3 và T4. Tuy nhiên, khi mang thai, cơ thể người mẹ sẽ tiết ra 2 hormone khác là: beta hCG và estrogen. Việc tăng beta hCG và estrogen trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ khiến cho 2 hormone chính của tuyến giáp bị rối loạn:

  • Nếu nồng độ các hormone tuyến giáp tăng lên được gọi là cường giáp.
  • Nếu nồng độ các hormone tuyến giáp giảm xuống được gọi là nhược giáp. 

benh-ly-tuyen-giap-khi-mang-thai-nhung-dieu-me-bau-can-biet-voh

Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu có nguy cơ bị các bệnh lý tuyến giáp (Nguồn: Internet)

Thông thường, các bệnh lý rối loạn tuyến giáp sẽ khác nhau ở mỗi người. Nếu thai phụ có bệnh lý tuyến giáp trong 3 tháng đầu thai kỳ nhưng không quá nghiêm trọng thì nó sẽ dần ổn định vào những tháng tiếp theo. 

Tuy nhiên, cần lưu ý trong 3 tháng đầu thai nhi sẽ không tiết ra nội tiết tố của tuyến giáp (tức là bé sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào người mẹ). Do đó, nếu trong 3 tháng đầu người mẹ bị cường giáp thì thai nhi cũng sẽ bị cường giáp và ngược lại, nếu mẹ bị nhược giáp thì em bé cũng bị nhược giáp. Những hưởng của các căn bệnh này đối với mẹ như thế nào thì em bé cũng sẽ bị ảnh hưởng tương tự.

Cường giáp, nhược giáp ảnh hưởng như thế nào trong giai đoạn thai kỳ

Ảnh hưởng đối với thai phụ

Cường giáp trong thai kỳ: Chức năng của hormone T3 và T4 trong tuyến giáp là điều khiển các hoạt động cơ thể cũng như chuyển hóa các chất như gluxit, lipid... thành năng lượng phục vụ cho các hoạt động cơ thể. Tuy nhiên, vì một lý do gì đó khiến cho tuyến giáp tăng tiết hormone T3, T4, điều này sẽ gây nên tình trạng cường giáp, với những biểu hiện như:

  • Thèm ăn.
  • Hồi hộp, tim đập nhanh.
  • Khó thở, thở gấp.
  • Hay đổ mồ hôi, bức rức, khó chịu.
  • Cơ thể gầy đi.

Trong quá trình sinh nở, thai phụ bị cường giáp có thể phải đối diện với những nguy cơ như bị tiền sản giật hoặc tình trạng “cơn bão giáp trạng” (tức là nội tiết thay đổi đột ngột và phóng thích một lượng lớn nội tiết của tuyến giáp vào máu). Đây đều là những tai biến nguy hiểm vì có thể làm ảnh hưởng đến tính mạng của thai phụ.

benh-ly-tuyen-giap-khi-mang-thai-nhung-dieu-me-bau-can-biet-1-voh

Thai phụ bị bệnh nhược giáp sẽ thường bị mệt mỏi, uể oải,... (Nguồn: Internet)

Nhược giáp trong thai kỳ: Nhược giáp cũng là một bệnh lý của tuyến giáp với những biểu hiện triệu chứng ngược lại với bệnh cường giáp. Nếu cường giáp khiến thai phụ luôn trong trạng thái bức rức, hồi hộp, tim đập nhanh,... thì nhược giáp sẽ gây ra những tình trạng:

  • Mệt mỏi, uể oải,...
  • Không muốn vận động, làm việc, đi lại...
  • Ngáp liên tục do thiếu oxy não.
  • Mệt mỏi.
  • Cơ thể lên cân nhanh.

Ảnh hưởng đối với thai nhi

Bệnh cường giáp: Mẹ bị cường giáp em bé có thể bị thai chết lưu hoặc sinh non, dị tật. Ngoài ra, thai phụ mắc bệnh cường giáp nhưng không được điều trị thì em bé sau khi sinh ra cũng có thể bị cường giáp.

Bệnh nhược giáp: Mẹ bị nhược giáp em bé sau khi sinh ra sẽ bị nhược giáp và hậu quả là trí tuệ của trẻ không được phát triển bình thường (dân gian gọi là bệnh đần độn).

Điều trị bệnh lý tuyến giáp như thế nào?

Những dấu hiệu của bệnh lý tuyến giáp thường rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng thai nghén. Do đó, để xác định thai phụ có bệnh lý cường giáp hoặc nhược giáp hay không thì cần làm xét nghiệm để tầm soát sớm trong giai đoạn thai kỳ. Nếu thai phụ được chẩn đoán có bệnh lý về tuyến giáp, bác sĩ sẽ dựa vào mức độ bệnh, tình trạng sức khỏe của thai phụ để đưa ra những phác đồ điều trị tốt nhất.

Với người bình thường, các bệnh lý tuyến giáp có thể được điều trị bằng cách dùng thuốc nội tiết, phẫu thuật hoặc các phương pháp đồng vị phóng xạ. Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai chỉ có thể áp dụng 2 phương pháp, đó là: dùng thuốc và phẫu thuật.

Trong 3 tháng đầu hoặc với những trường hợp nhẹ, thai phụ sẽ được chỉ định theo dõi, không cần điều trị. Trong trường hợp phải điều trị bác sĩ sẽ chỉ định những loại thuốc không gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ của mẹ. 

Phẫu thuật là biện pháp được áp dụng cho những trường hợp dùng thuốc nội tiết không còn hiệu quả. Tuy nhiên, thực hiện phẫu thuật trong giai đoạn mang thai có thể sẽ gây ảnh hưởng đến cả bản thân người mẹ và em bé sau này. 

Do đó, trong những trường hợp không thật sự cần thiết bác sĩ sẽ lựa chọn điều trị bằng thuốc để đảm bảo an toàn cho thai phụ cũng như không gây ảnh hưởng đến thai nhi.

Bạn có thể nghe lại nội dung ngắn gọn của bài viết từ video bên dưới:

Ung thư tuyến giáp là gì, có chữa khỏi hoàn toàn được không? : Ung thư tuyến giáp chỉ chiếm 1 – 2% trong các loại ung thư nhưng chiếm đến 90% ung thư của các tuyến nội tiết. Nếu phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, bệnh sẽ có tiên lượng tốt.
Cường giáp là gì, có nguy hiểm không? : Cường giáp là một hội chứng chứ không phải là bệnh. Việc phát hiện sớm tình trạng cường giáp sẽ giúp quá trình điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn.
Bình luận