Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bệnh viện Nhi đồng 2 lần đầu tiên tiến hành ghép tế bào gốc tạo máu tự thân

(VOH) - Tháng 12/2020 trung tâm ghép tế bào gốc tại bệnh viện Nhi đồng 2 bắt đầu đi vào hoạt động và thực hiện trường hợp đầu tiên.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, được sự hỗ trợ đào tạo nhân lực, tư vấn chuyên môn của Bệnh viện Truyền máu huyết học, tư vấn từ Đại học California San Francisco - Mỹ, Bệnh viện đại học quốc gia Singapore và tích lũy kinh nghiệm thực tế, tháng 12/2020 trung tâm ghép tế bào gốc tại bệnh viện bắt đầu đi vào hoạt động và thực hiện trường hợp đầu tiên.

Bệnh nhân là bé gái 32 tháng tuổi, địa chỉ Đắc Lắc có cơ địa suy dinh dưỡng chỉ có 11 kg. Bé được chẩn đoán bệnh lý u nguyên bào thần kinh nhóm nguy cơ cao, nếu không được ghép tủy thì tỉ lệ sống 1 năm của bé chỉ có 12%.

Dựa trên phác đồ điều trị tại khoa ung bướu huyết học Bệnh viện Nhi Đồng 2, bé đã được nhanh chóng lên kế hoạch điều trị kết hợp phẫu thuật cắt u, hóa trị liệu, ghép tủy, hóa trị duy trì sau ghép.

Ngày 30/12/2020, sau quá trình chu đáo chuẩn bị, bệnh nhân được ghép tế bào gốc tạo máu tự thân có gây mê chủ động tại với sự hỗ trợ, giám sát chuyên môn của các bác sĩ, điều dưỡng khoa Ghép tế bào gốc - Bệnh viện Truyền máu huyết học. Bệnh nhi được chăm sóc đặc biệt tại Đơn vị Ghép tế bào gốc sau truyền tế bào gốc, kiểm tra huyết đồ theo dõi quá trình mọc mảnh ghép, chẩn đoán các biến chứng hậu ghép, phòng ngừa tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn.

Trong thời gian này, bé có gặp 1 số biến chứng tuy nhiên, bé mọc mảnh ghép khá sớm vào 10 ngày sau ghép. 16 ngày sau ghép, bệnh nhi đã phục hồi bạch cầu hạt và tiểu cầu tốt, không có tình trạng nhiễm trùng cơ quan nào. Bệnh nhi khỏe, tự ăn uống, sinh hoạt, đã được xuất viện sớm hơn dự kiến vào ngày 15 tháng 01 năm 2021 trong sự hạnh phúc của bệnh nhân, gia đình và bệnh viện.

Bệnh viện Nhi đồng 2

Hình ảnh lúc bé chuẩn bị xuất viện sau ca ghép thành công

Kế hoạch dự kiến bệnh nhi sẽ tiếp tục xạ trị sau vài tuần và điều trị thuốc duy trì sau truyền tế bào gốc 3 tháng nhằm hạn chế khả năng tái phát của khối u.

Đây là một ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân lần đầu tiên được thực hiện ở Bệnh viện Nhi đồng 2, trên nền 1 bệnh nhi u nguyên bào thần kinh có tuổi nhỏ, cân nặng thấp, thể trạng suy dinh dưỡng.

Ghép tế bào gốc máu tự thân là một phần trong điều trị liệu của một số nhóm bệnh lý ung thư nhi đặc biệt các nhóm u đặc, phải tiến hành lấy tế bào gốc máu tự thân của bệnh nhân đem lưu trữ đông, sau đó truyền lại vào cơ thể người bệnh để giúp phục hồi khả năng tạo máu từ tủy xương bị tổn thương.

Bình luận