Ngày 27/3, đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra thực tế tại các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội như Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai, nhằm đánh giá công tác sàng lọc, phân luồng và điều trị bệnh nhân mắc sởi.
Tỷ lệ trẻ chưa tiêm phòng cao, số ca mắc tiếp tục tăng
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Phó Giám đốc TS. Cao Việt Tùng cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận gần 2.700 ca mắc sởi, trong đó riêng năm 2025 đã có 1.894 ca. Đáng chú ý, có đến 60% số ca mắc chưa được tiêm vắc xin sởi, hoặc chưa đến độ tuổi tiêm chủng.
Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận trung bình từ 70–90 ca khám sàng lọc sởi, có ngày cao điểm lên tới hơn 100 bệnh nhân. Từ năm 2024 đến nay, đã có 13 trường hợp tử vong, phần lớn có bệnh lý nền phức tạp như viêm phổi, sinh non, viêm màng não, rối loạn chuyển hóa...
Lãnh đạo bệnh viện cho biết, áp lực điều trị đang rất lớn do quá tải bệnh nhân nội trú, thiếu phòng cách ly tiêu chuẩn. Ngoài ra, biểu hiện sởi hiện nay không điển hình, gây khó khăn trong chẩn đoán và phân luồng kịp thời.
Theo TS. Dương Huy Lương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi - chưa đến độ tuổi tiêm phòng - có nguy cơ cao mắc bệnh, đặc biệt nếu mẹ chưa từng được tiêm vaccine, khiến trẻ không có miễn dịch thụ động. Vì vậy, cần nâng cao ý thức cộng đồng về tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Nhiều ca sởi ở người lớn nhập viện thể nặng, phải can thiệp hồi sức
Tình hình dịch cũng đáng lo ngại tại Viện Y học các bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai, nơi ghi nhận hơn 100 ca sởi từ cuối năm 2024 đến nay, trong đó có những trường hợp nặng phải thở máy xâm nhập hoặc sử dụng ECMO.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Viện trưởng Viện Y học các bệnh nhiệt đới - cho biết, mỗi ngày viện tiếp nhận trung bình từ 10 - 20 bệnh nhân sởi là người lớn, phần lớn không rõ đã từng tiêm phòng hay chưa.
Các triệu chứng ban đầu thường gặp gồm sốt cao, phát ban, ho, chảy nước mắt, viêm kết mạc. Nhiều bệnh nhân có biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan, viêm não - màng não.
Khoảng 5% số ca nhập viện có diễn tiến nặng, cần hỗ trợ hồi sức, thở máy, lọc máu. Người có bệnh nền như tiểu đường, suy giảm miễn dịch được cảnh báo là nhóm nguy cơ cao.

Sởi là bệnh lây qua đường hô hấp với hệ số lây nhiễm rất cao. Theo các chuyên gia, nếu không kiểm soát tốt bằng vắc xin và các biện pháp cách ly, dịch có thể bùng phát trên diện rộng. Những người mắc sởi cần được cách ly và điều trị kịp thời để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân, đặc biệt là phụ huynh có con nhỏ và người chưa tiêm ngừa đầy đủ, cần chủ động tiêm phòng sởi, không chủ quan trước diễn biến dịch bệnh.