Trước tốc độ lây lan chóng mặt, WHO kêu gọi các quốc gia khẩn trương tăng cường tiêm chủng để ngăn chặn nguy cơ hình thành một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu mới.
Bà Kate O'Brien – Giám đốc bộ phận vaccine của WHO nhấn mạnh: “Với khả năng lây nhiễm cao, chỉ một ca bệnh sởi cũng có thể trở thành mối đe dọa cho cả thế giới nếu không kiểm soát kịp thời”.
Theo WHO, nguyên nhân chính khiến số ca mắc sởi gia tăng là do tỷ lệ tiêm vaccine giảm mạnh sau đại dịch Covid-19, khi nhiều chương trình tiêm chủng cho trẻ bị gián đoạn.
Sởi là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus Polinosa Morbillarum, lây qua đường không khí, thường gây sốt và phát ban. Dù có thể tự khỏi ở người khỏe mạnh nhưng với trẻ em sức đề kháng yếu, sởi có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có vaccine phòng ngừa.

Bệnh sởi có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 10-14 ngày, có trường hợp lên đến 20 ngày. Thời gian bệnh dễ lây truyền nhất là khoảng 4 ngày trước khi phát ban cho đến 4-5 ngày sau khi phát ban.
Trong đó 4 ngày trước khi phát ban là thời kỳ lây truyền mạnh mẽ nhất, do chính bản thân người bệnh không biết mình đang mắc bệnh, vẫn tiếp xúc bình thường với mọi người xung quanh.
Sởi lây truyền qua đường hô hấp, do nước bọt của người bệnh bắn vào không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với các tiết dịch của người bệnh. Đôi khi bạn có thể lây bệnh một cách gián tiếp thông qua các đồ vật đã dính virus gây bệnh. Thông thường, nếu một người trong gia đình bị mắc sởi thì những người còn lại (người chưa có miễn dịch) sẽ bị lây bệnh.
Sởi là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan rất cao. Bất cứ ai chưa có miễn dịch đều có khả năng mắc bệnh.