Tiêu điểm: Nhân Humanity

"Brain Rot" - Hiện tượng suy giảm trí tuệ từ thói quen lướt mạng xã hội

VOH - Một số chuyên gia cho rằng, thói quen lướt mạng xã hội và nội dung trực tuyến không ngừng nghỉ chính là nguyên nhân trực tiếp gây "brain rot - thối não".

Theo định nghĩa của Đại học Oxford, "brain rot" chỉ tình trạng suy giảm khả năng tư duy hoặc trí tuệ của một người, đặc biệt do tiêu thụ quá mức nội dung được cho là tầm thường hoặc thiếu thử thách, chủ yếu là các nội dung trực tuyến. Đây cũng có thể là thuật ngữ để miêu tả những thứ gây ra tình trạng này.

Tiến sĩ Kyra Bobinet, chuyên gia khoa học thần kinh hành vi tại California, Mỹ, và tác giả cuốn sách Unstoppable Brain, cho biết, hiện tượng "brain rot" đang ngày càng gia tăng, khiến nhiều người ngày nay cảm thấy khó tập trung, đầu óc choáng váng và không thể làm việc tập trung sâu.

Bà cho rằng, hiện tượng này liên quan đến "đại dịch cô đơn", khi mọi người gặp khó khăn trong việc tập trung vào công việc cũng như xây dựng các mối quan hệ.

brain rot (1)

Nhà xuất bản Đại học Oxford, Anh, đã chọn “brain rot” là từ của năm 2024. - Ảnh: stock.adobe.com

Bà Bobinet cho biết, một phần của não có tên là habenula được cho là nguyên nhân khiến chúng ta bị "mắc kẹt" trong vòng lặp lướt mạng xã hội vô tận.

Habenula là một phần trung tâm của não, đóng vai trò quan trọng trong việc  tạo động lực và ra quyết định. Tuy nhiên, khi được kích hoạt, khu vực này có thể "triệt tiêu động lực" và khiến con người dễ sa vào những hành vi như "doom-scrolling", xu hướng lướt mạng xem tin tức liên tục dù những tin tức đó khiến bạn buồn bã, chán nản.

Thói quen lướt mạng xã hội là cách não bộ "ngắt kết nối" và nghỉ ngơi sau một ngày dài, nhưng đây thực chất là hành vi "tránh né" do habenula kiểm soát, khiến việc dừng lướt trở nên khó khăn và dẫn đến mất động lực, góp phần hình thành thói quen nghiện mạng xã hội.

Theo tiến sĩ Bobinet, không có giải pháp chung cho mọi người để tránh "brain rot", mỗi cá nhân cần thử nghiệm và điều chỉnh để tìm ra phương pháp phù hợp nhất.

Tiến sĩ Don Grant, cố vấn về quản lý thiết bị y tế tại Newport Healthcare, Los Angeles, Mỹ, chỉ trích các nhà sản xuất thiết bị và nội dung vì cố tình giữ người dùng gắn chặt với các thiết bị, sử dụng thuật toán để kích thích hệ thống limbic trong não của họ, giống như cách máy đánh bạc hoạt động.

Ông bày tỏ lo ngại về sự suy giảm của trí tưởng tượng, trí nhớ và nền giáo dục, khi con người ngày càng phụ thuộc vào thiết bị công nghệ.

Tiến sĩ Grant khuyến nghị, mọi người nên chiến lược hóa thời gian trực tuyến, chia thành 80% cho nội dung "ý nghĩa, chính đáng" và 20% dành cho giải trí.

Đồng thời đặt giới hạn truy cập và tạo khu vực không công nghệ trong nhà, đặc biệt với các gia đình.

Ông cũng khuyến khích mọi người vận động ngoài trời và tham gia các trò chơi mang tính giáo dục, trí tuệ và tự đánh giá chất lượng thời gian trực tuyến của mình bằng các câu hỏi như: "Bạn đã trực tuyến bao lâu? Có vượt quá dự định không? Bạn có cảm thấy tốt hơn không?".

Bình luận