Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cách phân biệt bệnh cảm và cúm để dễ dàng nhận biết

(VOH) - Thực tế, nhiều người hiểu sai rằng cảm và cúm là cùng một bệnh. Tuy nhiên, 2 căn bệnh này hoàn toàn khác nhau, nguyên nhân gây nhầm lẫn có thể do chúng có những triệu chứng khá giống nhau.

1. Cảm và cúm được hiểu như thế nào?

1.1 Cảm là gì?

Theo Th.Bs Phan Hữu Phước (Khoa Y, Đại học quốc gia, Phòng khám Lão khoa Med-Vie TPHCM), bệnh cảm có thể xuất hiện theo mùa như cảm nắng, cảm nóng, cảm mùa mưa, cảm lạnh,…có nghĩa là trạng thái sức khỏe không được ổn định sau khi đi ngoài nắng về, dầm mưa hoặc do thời tiết quá lạnh…

1.2 Cúm là gì?

Cũng theo bác sĩ Phước, cúm là một căn bệnh được mô tả rất chính xác trong y học, đây là bệnh do các chủng virus gây ra, được truyền từ người này sang người khác. Sau một thời gian bị nhiễm virus cúm thì khoảng 2 – 4 ngày, người bệnh sẽ bắt đầu có những biểu hiện của tình trạng cúm. 

cam-va-cum-khac-nhau-nhu-the-nao-voh

Cảm và cúm có triệu chứng khá giống nhau (Nguồn: Internet)

Thông thường, bệnh cảm sẽ nhẹ và ít nguy hiểm hơn bệnh cúm. Bệnh cúm thông thường có thể không đáng lo ngại nhưng khi đã trở thành đại dịch cúm thì chắc chắn sẽ nguy hiểm hơn nhiều. Trên thế giới đã từng có nhiều đại dịch cúm vô cùng nguy hiểm như đại dịch cúm Tây Ban Nha (năm 1918) với khoảng 40 triệu người tử vong,…

2. Triệu chứng cảm và cúm

Dựa vào bảng phân biệt dưới đây, bạn có thể nhận biết triệu chứng của bệnh cảm và cúm:

Triệu chứng cảm

Triệu chứng cúm

  • Cảm thường bắt đầu với triệu chứng đau rát vùng cổ họng, chảy nước mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, kèm theo ho…
  • Người lớn thường sốt nhẹ, trẻ em có khuynh hướng sốt cao.
  • Các triệu chứng thường mất đi sau 3 ngày, trường hợp kéo dài có thể bị bội nhiễm vi trùng.
  • Biểu hiện đầu tiên của cúm thường là sốt, kèm theo nhức mỏi tay chân, nhức đầu, mệt mỏi, uể oải, tổn thương đường hô hấp gây chảy mũi, hắt hơi, viêm dây thanh âm, viêm phổi,…
  • Tình trạng sốt do nhiễm virus cúm thường sốt hình chữ V, tức là sốt cao đột ngột, sau đó hạ xuống và sốt cao trở lại. Ở trẻ em, sốt có thể kèm theo co giật, người lớn tuổi có bệnh mãn tính có thể sốt kèm theo rối loạn tri giác, lơ mơ hoặc hôn mê.
  • Sốt thường kéo dài 5 – 7 ngày hoặc 2 tuần.

3. Cách phòng bệnh cảm và cúm

Cảm và cúm là bệnh dễ lây lan trong cộng đồng, vì vậy, để phòng tránh 2 căn bệnh này bạn nên:

cam-va-cum-khac-nhau-nhu-the-nao-voh

Hãy sử dụng khẩu trang y tế khi đến những nơi đông người (Nguồn: Internet)

  • Hạn chế đến những nơi đông người như siêu thị, xe buýt, nhà sách,…bởi vì chỉ cần một thao tác ho của người bệnh cũng đã bắn những tia nước bọt ra xa đến vài chục mét. Nước bọt tạo ra những tia nhỏ tồn tại trong không khí, bên trong có thể chứa đầy virus.
  • Sử dụng khẩu trang khi đến những nơi đông người. Khẩu trang giúp che chắn cho vùng hô hấp tránh khỏi bụi bẩn và virus. Bạn có thể sử dụng loại khẩu trang y tế thông thường và chỉ nên dùng trong 1 ngày rồi vứt đi.
  • Vào mùa lạnh nên giữ ấm cơ thể bằng cách mang vớ, mặc áo ấm để tránh cảm và cúm. 
  • Nếu có cơ địa dị ứng dễ hắt hơi, sổ mũi,…thì nên chuẩn bị sẵn thuốc khi mùa lạnh đến.

Nhìn chung, cảm và cúm là bệnh dễ lây lan trong môi trường tập thể, môi trường cộng đồng. Mặc dù bệnh không đe dọa tính mạng một cách nhanh chóng nhưng tác động của nó đối với cộng đồng thì không hề nhỏ. Vì vậy, mỗi người chúng ta nên biết cách phòng tránh cho chính mình và những người xung quanh. 

Bạn có thể nghe lại chia sẻ của bác sĩ Phan Hữu Phước tại audio bên dưới:

 
Bình luận