Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cảnh báo bệnh cúm A H1N1 rất nguy hiểm với nhóm đối tượng nguy cơ cao

(VOH) - Ngày 23/6, Bệnh viện Chợ Rẫy thông báo tại bệnh viện đã có thêm một trường hợp tử vong vì cúm A H1N1.

Điều đáng nói là người đàn ông này nhiễm cúm trên nền suy thận mãn giai đoạn cuối nên sức đề kháng suy giảm nặng, không đủ sức chống chọi với vi rút cúm.

Trước đó, một phụ nữ 26 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, thể tạng béo phì cũng đã tử vong sau 5 ngày tự mua thuốc điều trị cảm cúm mà không đến bệnh viện. Cả hai trường hợp vừa nêu cho thấy, cúm A H1N1 sẽ đặc biệt nguy hiểm với nhóm đối tượng nguy cơ cao .

cúm A H1N1

Người già sẽ rất nguy hiểm khi mắc cúm A H1N1 vì sức đề kháng giảm

Trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người béo phì, người có bệnh mạn tính

Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố xác nhận đây là 2 trường hợp bệnh cúm xảy ra trên đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng, là béo phì, tiểu đường, suy thận mãn, không có mối liên hệ dịch tễ với nhau, nguồn lây từ cộng đồng, không phải từ bệnh viện.

Trung tâm Y tế Dự phòng TP và Viện Pasteur cũng đã thống nhất với các bệnh viện về các biện pháp phòng lây nhiễm trong bệnh viện, đồng thời truyền thông phòng chống cúm tại nơi bệnh nhân cư ngụ.

Qua hai trường hợp tử vong vì cúm A H1N1 này, bác sĩ Nga cảnh báo những ai mắc bệnh mãn tính cần phải lưu tâm chủ động phòng ngừa cúm. “Những đối tượng có tình trạng bệnh lý nền hoặc sức khỏe đặc biệt ảnh hưởng đến sức đề kháng không đủ sức chống lại vi rút cúm như vậy thì trên những người này bệnh cúm sẽ diễn tiến nặng, suy hô hấp nặng, thậm chí dẫn đến tử vong. Những đối tượng có nguy cơ cần lưu ý là trẻ em, người lớn tuổi, người già, người mắc bệnh phổi tắc nghẽn, tim mạch, tiểu đường, thai phụ cũng là đối tượng diễn tiến nặng”.

Dễ mắc bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt siêu vi, viêm hô hấp, viêm não Nhật Bản

Hiện nay, khi thời tiết chuyển mùa, trẻ con ngoài những bệnh theo mùa như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt siêu vi, viêm họng hay viêm hô hấp, thì phụ huynh nên để ý sức khỏe của các cháu với những trường hợp viêm não, viêm màng não.

Mẹ bé Phan Ngọc Vy, 5 tuổi, nhà ở Cà Mau, đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 1 khám vì viêm não cho biết bé Vy bị nóng rồi giật, người ta nói bé bị viêm màng não. Bé sốt có khi lên tới 39 độ.

Mùa hè cũng chuyển mùa từ nắng sang mưa nên có những loại bệnh cần phải để ý để chủ động phòng ngừa. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm – thần kinh – Bệnh viện Nhi đồng 1, cho rằng ngoài cúm, rồi sốt xuất huyết, tay chân miệng thì bệnh viêm não Nhật Bản cũng rất nguy hiểm trong mùa hè: “Viêm não Nhật Bản cũng xảy ra trong mùa này, miền Bắc nhiều hơn miền Nam do yếu tố dịch tễ. Tuy nhiên ở những vùng nông thôn, nơi có trồng lúa, nuôi heo thì khi gửi con em về quê phải chú ý. Chích ngừa và diệt muỗi là hai biện pháp để phòng bệnh. Chích ngừa viêm não Nhật Bản thì phụ huynh phải tự lo chích nhắc lại sau khi chích trong chương trình tiêm chủng mở rộng”.

Khi mưa rộ mùa thì sốt xuất huyết cũng sẽ gia tăng. Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP – khuyến cáo, tại khoa thường tiếp nhận những bệnh nhân là người lớn nhập viện muộn, biến chứng nặng do chủ quan.

“Thường người lớn sốt xuất huyết hay chủ quan vì nghĩ mình lướt qua rồi khỏi bệnh nên không quan tâm tới. Từ đó có một số trường hợp người lớn mắc sốt xuất huyết phát hiện muộn, nhập viện trễ”, Bác sĩ Phong lưu ý.

Diệt lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt - chủ động phòng nhiễm bệnh cúm

Để góp phần cùng ngành y tế phòng chống sốt xuất huyết trong cộng đồng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hữu Hưng lưu ý: “Việc diệt lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt, ngủ mùng là hết sức quan trọng, góp phần để giúp con em không mắc bệnh. Sốt xuất huyết cũng là bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nên tốt nhất phải phòng tránh đừng để mắc sốt xuất huyết”.

Trước diễn biến phức tạp của cúm A H1N1, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố khuyến cáo người dân, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao như trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người béo phì, người có bệnh mạn tính cần chủ động phòng nhiễm bệnh cúm như thực hiện tiêm ngừa phòng bệnh, vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh viêm hô hấp, nếu có triệu chứng như sốt và ho, hắt hơi, sổ mũi...cần đi khám bệnh tại các cơ sở y tế để được điều trị.

Với những bệnh theo mùa, mỗi người hãy tự lưu ý hơn đến diễn tiến sức khỏe, phải đi khám bệnh ngay khi có triệu chứng bất ổn, tuyệt đối không tự ý ra nhà thuốc mua thuốc tự điều trị sẽ vô cùng nguy hiểm, thậm chí phải đánh đổi cả tính mạng của mình mà thực tế đã xảy ra./.

Bình luận