Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cảnh báo: Gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội

HÀ NỘI - Chỉ riêng trong tuần qua, số ổ dịch sớt xuất huyết đã tăng 14 ổ so với tuần trước.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, trong tuần qua, thành phố đã ghi nhận 285 ca mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết đã lên tới 3.251 trường hợp.

Đáng chú ý, trong tuần qua, số lượng ổ dịch cũng gia tăng, với 23 ổ dịch mới được ghi nhận tại 19 quận, huyện, thị xã, bao gồm: Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ, Thanh Oai, Cầu Giấy, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoàn Kiếm… Số ổ dịch này đã tăng 14 ổ so với tuần trước.

CDC Hà Nội đã nhanh chóng phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành giám sát, điều tra và xử lý dịch tại các khu vực có ca bệnh. Đồng thời, các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tại các khu vực ngập lụt do mưa lũ, như Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Ba Đình, Đan Phượng, Thường Tín, Mê Linh, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Thanh Trì, cũng đang được triển khai quyết liệt.

z4395658491434_206672ee50b87f60351a16b563be09e5
CDC Hà Nội tổ chức tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết - Ảnh: CDC Hà Nội

Hiện tại, Hà Nội đã bước vào giai đoạn cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết, thường diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11. Điều kiện thời tiết phức tạp, mưa nhiều là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh. Theo CDC Hà Nội, kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết: "Sau các đợt lũ bão, dịch sốt xuất huyết thường bùng phát mạnh do các vi sinh vật và chất thải theo dòng nước tràn ra gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là thời điểm mà bọ gậy và muỗi sinh sôi, làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh."

TS Dũng cũng cảnh báo về sự chủ quan của người dân trong việc phòng tránh bệnh sau lũ bão. Sau khi nước rút, người dân thường tập trung khắc phục hậu quả mà ít quan tâm đến việc tiêu diệt muỗi và các dụng cụ chứa nước có khả năng trở thành ổ muỗi.

Bệnh sốt xuất huyết diễn ra qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi, với các triệu chứng và mức độ khác nhau tùy vào từng giai đoạn. TS Dũng nhấn mạnh: "Giai đoạn nguy hiểm nhất là sau khi bệnh nhân giảm sốt, bởi lúc này nhiều người chủ quan không theo dõi sức khỏe, dẫn đến nguy cơ máu đông, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng."

Để phòng, chống dịch bệnh, TS Dũng khuyến cáo người dân nên chủ động giữ gìn vệ sinh môi trường, đặc biệt tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi ngập lụt. Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ người dân trong việc thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu diệt côn trùng, phun hóa chất tại những khu vực có nguy cơ cao sau khi nước rút.

Bình luận