Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cập nhật Covid-19 ngày 16/3: Ý tăng 24.749 ca nhiễm, Pháp thêm gần 1000 ca nhiễm mới

(VOH) - Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy công bố nước này ghi nhận thêm 3.590 ca mới so với ngày 14/3, nâng tổng số ca mắc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên 24.747 trường hợp.

Tính đến 18 giờ ngày 15/3 theo giờ địa phương (tức 0 giờ ngày 16/3 giờ Hà Nội), Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy công bố nước này ghi nhận thêm 3.590 ca mới so với ngày 14/3, nâng tổng số ca mắc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên 24.747 trường hợp.

covid-19, virus corona

Tính đến chiều ngày 15/3, nước Pháp xác định 5.423 ca dương tính với virus SARS -CoV-2 thông qua xét nghiệm, với 127 ca tử vong. Ảnh: WTVD

Trong số các ca nhiễm, số ca tử vong là 1.809 trường hợp (tăng 368 ca), số ca hồi phục 2.335 (tăng 369 ca). Vùng tâm dịch Lombardia ghi nhận 1.587 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm của vùng này lên 13.272 trường hợp và số ca tử vong là 1.218 (tăng 252 ca).

Ngày 15/3, nước Pháp ghi nhận thêm hơn 900 ca nhiễm virus mới SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19, với hơn 30 người tử vong chỉ trong vòng 24 giờ.

Theo số liệu được Cơ quan Y tế quốc gia Pháp công bố, tính đến chiều 15/3, nước Pháp xác định 5.423 ca dương tính với virus SARS -CoV-2 thông qua xét nghiệm, với 127 ca tử vong. Đây tiếp tục là một kỷ lục mới của nước Pháp kể từ đầu mùa dịch, với hơn 900 ca nhiễm mới và 36 ca tử vong chỉ trong 24 giờ. Tuy nhiên, con số được Bộ trưởng Y tế Pháp, ông Olivier Véran, đưa ra cùng ngày lại ít hơn, với 5.000 ca nhiễm và 120 ca tử vong.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính phủ Pháp tiếp tục tăng cường các biện pháp đối phó. Từ ngày 15/3, Pháp đã đóng cửa hầu hết các địa điểm đón tiếp công chúng nhưng không tuyệt đối cần thiết như các nhà hàng, quán cà phê, quán ba, vũ trường, rạp chiếu phim và các cửa hàng thương mại. Lệnh cấm tương tự cũng áp dụng cho các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp kể từ ngày 15/3.

Mặc dù giao thông công cộng vẫn được phép diễn ra để không làm ngưng trệ cuộc sống của người dân nhưng nước Pháp cũng buộc phải hạn chế dần việc đi lại của người dân bằng các phương tiện này.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 15/3, bà Elisabeth Borne, Bộ trưởng Bộ chuyển tiếp sinh thái và đoàn kết Pháp, phụ trách lĩnh vực giao thông vận tải, cho biết, không có chuyện nước Pháp dừng toàn bộ và đột ngột các loại hình giao thông công cộng. Tuy nhiên, việc đi lại bằng tàu điện, xe buýt và máy bay sẽ bị hạn chế dần, đặc biệt là các tuyến tàu cao tốc và tàu đường dài.

Lĩnh vực tư pháp cũng bắt đầu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cùng ngày, Bộ trưởng Tư Pháp, bà Nicole Belloubet, cho biết, kể từ ngày 16/3, các tòa án tại Pháp cũng sẽ đóng cửa, trừ các phiên xét xử đặc biệt quan trọng.

Sáng ngày 16/3, Tây Ban Nha ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trong 24 giờ qua  đã tăng hơn 30%, khoảng 2.000 ca lên 7.753 trường hợp, trong khi số ca tử vong đã tăng hơn 100 trường hợp lên 228 người, tờ  New York Times cho hay. 

Nước này hiện cũng là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sau Ý.

Số tử vong, nhiễm mới tiếp tục tang sau khi chính phủ Ý áp đặt lệnh phong tỏa đối với gần như toàn bộ đất nước, trong đó cấm người dân ra khỏi nhà, trừ trường hợp đi làm, chăm sóc y tế hoặc mua thực phẩm. 

Ở Đức, giới chức nước này đã quyết định đóng cửa biên giới với ba nước Áo, Pháp và Thụy Sĩ trong nỗ lực hạn chế số ca lây nhiễm liên tục tăng theo cấp số nhân. 

Theo đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer và thủ hiến bốn bang của Đức đã điện đàm và nhất trí đóng cửa biên giới với ba nước láng giềng phía Tây Nam bắt đầu từ sáng 16-3 (giờ địa phương). 

Các bên nhất trí siết chặt kiểm soát vùng biên giới và đưa trả lại các trường hợp ra ngoài biên giới Đức, ngoại trừ việc vận chuyển hàng hóa vẫn đảm bảo lưu thông.

Hiện các trường học ở 16 bang của Đức đều đã đóng cửa, trong khi đa số các quán bar, nhà hàng, vũ trường và các cơ sở công đều đã bị đóng cửa.

Tính đến sáng ngày 16/3, Đức ghi nhận 4.585 ca nhiễm COVID-19 với chín trường hợp tử vong.

Hãng tin Yonhap dẫn thông cáo từ Nhà Xanh ngày 15/3 cho biết Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã công bố TP Daegu và ba khu vực thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang gồm TP Gyeongsan, quận Cheongdo và huyện Bonghwa là vùng thảm họa đặc biệt.

Đây là lần đầu tiên Seoul đưa một khu vực nhất định vào diện vùng thảm họa đặc biệt không vì lý do thảm họa tự nhiên. Trước đó, Daegu, Cheongdo và Gyeongsan được coi là vùng quản lý đặc biệt sau khi các khu vực này trở thành điểm nóng bùng phát dịch COVID-19.

Việc công bố vùng thảm họa đặc biệt cho phép chính phủ Hàn Quốc dành ngân sách quốc gia để hỗ trợ 50% chi phí bù đắp thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra đối với các địa phương này. Ngoài ra, động thái cũng cho phép những người bị ảnh hưởng được chính phủ hỗ trợ các chi phí sinh hoạt, được chi trả các hóa đơn và phí bảo hiểm y tế công.

Tính đến sáng 16-3, Hàn Quốc ghi nhận 8.162 ca nhiễm COVID-19 với 75 trường hợp tử vong.

Ngày 15/3, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thông báo nước này có thêm 7 ca dương tính với virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời ban bố lệnh cách ly đối với 7 bang trên lãnh thổ nước Nam Mỹ.

Tổng thống Maduro cho hay toàn bộ các ca nhiễm mới đều nhập cảnh từ nước ngoài, với 4 người đến từ châu Âu, 1 người từ Colombia và 2 người khác đến từ các nơi khác trên thế giới, nâng tổng số ca COVID-19 ở nước này lên 17 người.

Tại các bang phải thực hiện cách ly, gồm Cojedes, La Guaira, Miranda, Zulia, Táchira, Apure và Caracas, người dân sẽ chỉ được phép rời nhà khi có nhu cầu về dịch vụ xã hội thiết yếu như mua thực phẩm.

Ngoài ra, mọi hoạt động trường học và lao động đều bị đình chỉ trừ các dịch vụ phân phối thực phẩm, y tế và công tác an ninh.

Cùng ngày, vùng lãnh thổ Puerto Rico thuộc Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm từ 21 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, với hiệu lực tức thì đến ngày 30/3, nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lan rộng.

Tại Honduras, ngay sau khi ghi nhận 3 ca dương tính SARS-CoV-2, chính phủ nước này đã ban bố lệnh báo động đỏ trên toàn lãnh thổ, bao gồm cả lệnh cấm các cuộc hội họp với 50 người tham gia trở lên, đồng thời thành lập các đơn vị y tế để chăm sóc cho những người nhiễm bệnh.

Quốc hội El Salvador ngày 14/3 đã thông qua đề xuất của Tổng thống Nayib Bukele ban bố lệnh khẩn cấp toàn quốc và thiết lập giới hạn xuất nhập cảnh và hạn chế các cuộc hội họp công cộng tại nước Trung Mỹ, ngay cả khi nước này chưa ghi nhận bất kỳ ca dương tính nào.

Với 43 trường hợp nhiễm COVID-19, cao nhất khu vực Trung Mỹ, chính phủ Panama cũng tuyên bố hủy tạm thời các chuyến bay thương mại xuất phát từ châu Âu và châu Á, trừ những trường hợp liên quan tới vận chuyển thuốc men, cung cấp bác sĩ và viện trợ nhân đạo.

Trong khi đó, chính phủ Guatemala cũng kêu gọi người dân không tham gia tụ tập đông người nhằm tránh sự lây lan của virus gây bệnh, đồng thời ban bố tình trạng cảnh báo cấp cao nhất trên cả nước. Tới nay, Guatemala ghi nhận duy nhất một ca nhiễm hôm 13/3.

COVID-19: Hàn Quốc tuyên bố các vùng thảm họa đặc biệt - Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 15/3 đã tuyên bố thành phố Daegu ở khu vực Đông Nam và 3 vùng lân cận ở tỉnh Bắc Gyeongsang là những vùng thảm họa đặc biệt.

COVID-19: Việt Nam ghi nhận thêm ba ca nhiễm 54,55,56 là du khách nước ngoài - Chiều tối 15/3, Việt Nam ghi nhận thêm ba ca nhiễm COVID-19 thứ 54,55,56 đều là du khách nước ngoài.

Bình luận