Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cứu sống bệnh nhân bị thanh sắt đâm xuyên cổ do té ngã

Thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết tại đây vừa cấp cứu, xử trí kịp thới cứu sống trường hợp nam thanh niên bị thanh sắt dài khoảng 30cm đâm xuyên qua cổ.

Bệnh nhân gặp nạn giới tính nam, 29 tuổi, quê ở Phú Yên. Khi đang sửa máy lạnh, anh trượt chân té trên cao xuống, trên tay bệnh nhân lúc đó cầm một thanh sắt nên bị thanh sắt đâm xuyên qua cổ.

Sau khi cấp cứu, bệnh viện lập tức hội chẩn đa chuyên khoa, kết quả CT-Scan cho thấy vị trí thanh sắt đâm xuyên qua có khả năng tổn thương mạch máu, khí quản, thực quản nên bệnh nhân nhanh chóng được chuyển vào phòng mổ để tiến hành xử lý vết thương.

thanh sắt đâm xuyên cổ, ngày 13 tháng 3 năm 2021
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân

Do vị trí thanh sắt xuyên cổ từ phải qua trái, từ sau ra phía trước nên tiên lượng sẽ có nhiều thương tổn nguy hiểm khi phẫu thuật rút thanh sắt ra, vì vậy các bác sĩ phải nhanh chóng đưa ra chiến lược hợp lý cho cuộc mổ nhằm đảm bảo kiểm soát các mạch máu quan trọng xung quanh vị trí chọc thủng của thanh sắt. Điều khó khăn nhất của các bác sỹ là phải giữ đầu bệnh nhân ở vị trí cố định để trong lúc phẫu thuật không ảnh hưởng đến các mạch máu xung quanh khi rút thanh sắt ra.

Ê-kíp phẫu thuật chính bao gồm Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Như Hưng Việt – Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực mạch máu, Bác sĩ chuyên khoa 2 Tiêu Chí Đức – Phó trưởng khoa Ngoại Lồng ngực mạch máu, Bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Ngọc Sơn – Phó trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa cùng với các chuyên khoa liên quan sẵn sàng phối hợp khi cần thiết.

Ca phẫu thuật kéo dài hơn 2, may mắn là đường đi của thanh sắt xuyên qua sau tĩnh mạch và trước động mạch cảnh, khi rút thanh sắt ra có một mảnh vải dính ở đầu thanh sắt nên chỉ làm xoắn vặn và chèn ép mạch máu. Bên cạnh đó, với thao tác kỹ thuật chính xác của êkíp phẫu thuật nên khi rút thanh sắt ra không làm rách các mạch máu xung quanh. Bệnh nhân chỉ bị tổn thương thực quản và được bác sỹ tiến hành khâu thực quản, đặt ống thông vào dạ dày để nuôi ăn cho bệnh nhân. Dự kiến bệnh nhân có thể ra viện trong vài ngày tới.

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo để tránh những tai nạn lao động đáng tiếc, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng, người lao động cần được trang bị các phương tiện bảo hộ cần thiết và nghiêm túc tuân thủ các quy định về an toàn lao động. Khi chứng kiến người bị tai nạn lao động, những người xung quanh cần bình tĩnh, sơ cứu đúng cách, cố định dị vật và không nên cố gắng rút các dị vật ra khỏi vết thương đồng thời nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Cảnh báo tai nạn sinh hoạt trẻ uống nhầm dầu thắp đèn

Bệnh viện Nhi đồng 2 vừa lên tiếng cảnh báo tai nạn sinh hoạt ở trẻ gây nguy kịch. Được biết vừa qua, bệnh viện tiếp nhận một trường hợp bé 13 tháng tuổi, địa chỉ tại Long Thành, Đồng Nai nhập viện khoa cấp cứu trong tình trạng thở mệt sau 2 giờ uống nhầm dầu thắp đèn (paraffin). Ghi nhận lúc nhập viện, em khó thở, tuột huyết áp, tổn thương phổi nặng trên X-quang do hít phải hoá chất, bệnh viện lập tức hỗ trợ hô hấp bằng máy, dùng kháng sinh mạnh khống chế nhiễm trùng tại phổi và thuốc trợ tim để ổn định tình trạng huyết động. Sau gần 48 giờ được bệnh viện điều trị tích cực và theo dõi sát, sức khoẻ bé tạm ổn định, giảm được các thông số máy thở và không cần dùng thuốc trợ tim nữa.Nhân trường hợp này, bệnh viện xin gửi đến quý phụ huynh một số thông tin cần thiết để xử trí tốt nhất khi trẻ rơi vào hoàn cảnh này.

Cứu sống bệnh nhân bị thanh sắt đâm xuyên cổ do té ngã 2
Trẻ uống nhầm dầu phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ có thể đánh giá tình trạng bé, xử trí hỗ trợ hô hấp ngay khi có chỉ định.

Dầu thắp đèn (paraffin) thuộc nhóm hydrocarbon, là chất bay hơi. Do vậy, khi trẻ uống nhầm, tuyệt đối không gây nôn để trẻ ói ra, vì nguy cơ có thể bị hít vào phổi làm tổn thương phổi nặng. Cũng không sử dụng than hoạt để thấm hút chất độc vì không có tác dụng và làm chậm quá trình cấp cứu. Như vậy. khi trẻ uống nhầm nhóm hydrocarbon này, quý phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ có thể đánh giá tình trạng bé, xử trí hỗ trợ hô hấp ngay khi có chỉ định. Điều quan trọng nhất là phòng ngừa tránh xảy ra các tình trạng tương tự. Cần sử dụng các vật dụng chứa đựng chất hydrocarbon như xăng, dầu lửa, paraffin phải có nắp đậy và để xa tầm với của trẻ.

Bình luận