Chờ...

Đạp xe đi làm giúp giảm nguy cơ tử vong sớm tới 47%

VOH - Nghiên cứu mới của Scotland đã phát hiện ra rằng những người đi xe đạp có nguy cơ tử vong sớm thấp hơn 47% so với những người lái xe hoặc đi tàu.

Các nhà nghiên cứu Anh đã viết trong báo cáo được công bố trên tạp chí BMJ Public Health: "Nghiên cứu này củng cố bằng chứng cho thấy, việc đi lại tích cực có lợi cho sức khỏe ở cấp độ dân số và có thể góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong".

di-xe-dap-230724
Người đi xe đạp có nguy cơ tử vong sớm thấp hơn 47% - Ảnh: stock.adobe.com

Nghiên cứu đã theo dõi hơn 82.000 cư dân Anh - độ tuổi từ 16 đến 74 khi bắt đầu - trong hơn 18 năm. Là một phần của cuộc điều tra dân số, những người tham gia đã báo cáo phương tiện giao thông mà họ sử dụng thường xuyên nhất để đi làm.

Các nhà nghiên cứu đã ghi lại thông tin đó và phân tích đơn thuốc, hồ sơ nhập viện và tử vong của họ.

Đi lại “hoạt động” được định nghĩa là đi bộ hoặc đạp xe. Tất cả các phương pháp đi lại khác, như lái xe ô tô hoặc đi tàu điện, được coi là “không hoạt động”.

Những người đi làm bằng xe đạp thường là nam giới, trẻ tuổi, làm việc theo ca và sống ở thành phố - nhưng không sở hữu nhà.

Sau khi tính đến các yếu tố như tuổi tác và tình trạng sức khỏe, nghiên cứu phát hiện, việc đi lại bằng xe đạp có liên quan đến việc giảm 51% nguy cơ tử vong do ung thư, giảm 24% nguy cơ nhập viện do bệnh tim và giảm 20% nguy cơ được kê đơn thuốc điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Nhưng những người đi xe đạp đi làm có khả năng phải nhập viện sau va chạm giao thông cao gấp đôi so với những người không đi xe đạp.

Trong khi đó, những người đi bộ đi làm có nhiều khả năng là phụ nữ, trẻ tuổi, làm việc theo ca, sống trong thành phố và đi bộ một quãng đường ngắn đến trường hoặc nơi làm việc.

Đi bộ có liên quan đến việc giảm 11% nguy cơ nhập viện vì bất kỳ lý do gì và giảm 7% nguy cơ được kê đơn thuốc sức khỏe tâm thần.

Tại Hoa Kỳ, những người đi làm bằng xe đạp hoặc đi bộ chiếm 2,9% tổng số người lao động vào năm 2022, theo số liệu điều tra dân số .

Đây là tỷ lệ nhỏ hơn so với năm 2019 - trước khi đại dịch Covid-19 làm thay đổi đáng kể hành vi đi lại - nhưng lại lớn hơn so với năm 2021.