Tiêu điểm: Nhân Humanity

Dị ứng phấn hoa và cách xử lý

(VOH) - Dị ứng phấn hoa không nguy hiểm cho tính mạng nhưng lại gây nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Vậy khi bị dị ứng phấn hoa nên làm gì?

Dị ứng phấn hoa là gì?

Phấn hoa là một trong những tác nhân gây dị ứng phổ biến. Phấn hoa thường có màu vàng, đôi khi có màu tím hoặc các màu sắc khác, các hạt phấn dính liền với nhau tạo thành khối phấn. Nhìn phóng đại dưới kính hiển vi sẽ thấy hạt phấn hoa có 2 nhân gồm nhân sinh trưởng và nhân sinh sản.

Chung quanh hạt phấn hoa có 2 lớp màng gồm: lớp màng ngoài được cutin hóa, rắn, không thấm nước, tua tủa gai, mào,…từng khoảng có những chỗ trống, đó là lỗ nảy mầm. Lớp màng trong bằng cellulose dày lên ở phía trước các lỗ nảy mầm. Kích thước của các hạt phấn hoa thay đổi tùy theo từng loại cây cỏ, trung bình từ 0.01 – 0.025mm.

Phấn hoa của một số cây có thể gây dị ứng ở người (Nguồn: Internet)

Cứ vào một mùa nhất định trong năm, một số loài thực vật (bao gồm nhiều loại cây có hoa, cỏ và cả cây gỗ lớn) sẽ phóng vào không khí vô số những hạt nhỏ và nhẹ, người ta gọi đó là phấn hoa. Đây là một phần của hiện tượng thụ phấn – cách thức tồn tại và sinh sản của những loài cây này.

Ở một số người, khi họ hít phải phấn hoa tồn tại trong không khí, hệ miễn dịch sẽ tạo ra các phản hồi bất lợi cho cơ thể như triệu chứng khó chịu, muốn hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mắt,…Loại phấn hoa gây bệnh dị ứng cho người thường có kích thước rất nhỏ, thường dưới 0.05mm. 

Các chuyên gia còn gọi dị ứng phấn hoa là sốt cỏ khô hoặc viêm mũi dị ứng.

Các loại dị ứng phấn hoa phổ biến

Có đến hàng trăm loại thực vật có thể phát tán phấn hoa vào không khí và gây ra phản ứng dị ứng ở người. Dưới đây là một số loại dị ứng phấn hoa phổ biến nhất:

  • Dị ứng phấn hoa bạch dương

Phấn hoa bạch dương là một trong những chất gây dị ứng trong không khí phổ biến nhất vào mùa xuân. Khi những bông hoa bạch dương nở, chúng sẽ phát tán các hạt phấn nhỏ xíu vào không khí khi có gió. Một cây bạch dương có thể sản xuất đến 5 triệu hạt phấn hoa trong bán kính hơn 90m.

  • Dị ứng phấn hoa cây sồi

Giống như cây bạch dương, cây sồi cũng thường phát tán phấn hoa vào không khí trong mùa xuân. Phấn hoa cây sồi tồn tại trong không khí lâu hơn các loại phấn hoa của cây khác.

  • Dị ứng phấn hoa cỏ

Cỏ là yếu tố chính gây dị ứng phấn hoa trong những ngày hè. Phấn hoa cỏ gây ra các triệu chứng nghiêm trọng nhất trong các loại phấn hoa gây dị ứng, đồng thời nó cũng khó điều trị.

Dấu hiệu nhận biết dị ứng phấn hoa

Một khi bị dị ứng phấn hoa, hệ miễn dịch sẽ sản sinh ra nhiều histamine để chống lại tác nhân xâm nhập. Vì vậy, cơ thể người bệnh sẽ gặp phải một số triệu chứng sau đây:

  • Hắt hơi.
  • Chảy nước mũi.
  • Chảy nước mắt và mắt có dấu hiệu ngứa, đỏ.
  • Khó thở hoặc thở khò khè.
  • Tăng phản ứng hen suyễn.
  • Giảm vị giác và khứu giác.
  • Áp lực lên xoang, có thể gây đau mặt.
  • Ngứa cổ họng, ho.

Bị dị ứng phấn hoa phải làm sao?

Tránh tiếp xúc với phấn hoa là cách để bạn không bị dị ứng. Tuy nhiên, phấn hoa rất khó tránh vì chúng có thể tồn tại ở nhiều nơi trong không khí. Do vậy, khi có dấu hiệu dị ứng phấn hoa bạn nên đến gặp bác sĩ để được xem xét và chẩn đoán. Các bác sĩ có chuyên môn về dị ứng sẽ thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra, đánh giá mức độ dị ứng, cũng như tìm ra nguyên nhân gây dị ứng. Tùy vào tình trạng và mức độ dị ứng mà bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị. Các biện pháp điều trị dị ứng phấn hoa có thể gồm:

di-ung-phan-hoa-va-cach-xu-ly-voh

Khi có dấu hiệu dị ứng phấn hoa nên đến gặp bác sĩ thăm khám để được tư vấn chữa trị (Nguồn: Internet)

  • Thuốc không kê đơn

Các loại thuốc kháng histamine có tác dụng điều chỉnh lượng histamine được sản sinh trong cơ thể người bệnh. Các loại thuốc thông mũi, thuốc xịt trị viêm mũi dị ứng có thể giúp giảm tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi và một số triệu chứng khác.

  • Thuốc kê đơn

Nếu những loại thuốc trên không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê toa những loại thuốc chống dị ứng mạnh hơn. Một số loại thuốc sẽ có tác dụng kìm hãm quá trình sản sinh histamine gây dị ứng. Một số loại thuốc khác chuyên dụng để điều trị dị ứng do cỏ.

  • Tiêm thuốc

Nếu việc uống thuốc không giúp giảm tình trạng dị ứng, bác sĩ có thể chỉ định việc tiêm thuốc với loại thuốc và liều lượng phù hợp với loại dị ứng mà bạn mắc phải.

Tìm hiểu một số loại hoa và cây không gây dị ứng

Nếu trong nhà có người bị dị ứng phấn hoa, bạn cần thận trọng trong việc lựa chọn hoa hoặc loại cây để trồng trong vườn nhà. Bạn nên ưu tiên những loài thực vật không sinh sản bằng hiện tượng thụ phấn để mọi người trong nhà có thể nhìn ngắm một cách thoải mái nhất.

Dưới đây là một số loại hoa và cây không thụ phấn và an toàn cho mọi người, kể cả người dị ứng phấn hoa. 

  • Hoa: Hoa hồng, thu hải đường, xương rồng, tulip, nghệ tây, thủy tiên, phong lữ, ngọc trâm, móng tay, hoa diên vĩ, huệ tây, dừa cạn, dạ yến thảo, xô đỏ, vân anh, cúc ngũ sắc,…
  • Cây bụi: Đỗ quyên, dâm bụt, cẩm tú cầu, cây hoàng dương,…
  • Cỏ: Giống cỏ St. Augustine.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
  2. Trang hellobacsi.com
  3. Trang thuocdantoc.org
Dị ứng thời tiết: Dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng tránh: Thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh hay nắng mưa thất thường,… là cơ hội cho những bệnh dị ứng phát triển, đặc biệt là dị ứng thời tiết. Vậy làm sao để phát hiện và phòng tránh tốt nhất?
Dị ứng nước là bệnh gì, có dễ mắc phải không?: Nước là một phần thiết yếu của cuộc sống, con người không thể tồn tại nếu không có nước. Thế nhưng, trên thế giới vẫn có không ít người lại bị bệnh dị ứng với nước. Vậy bệnh dị ứng nước là gì?
Bình luận