Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đốt than sưởi ấm trong phòng kín, cả gia đình nhập viện vì ngộ độc khí CO

VOH – Một gia đình 4 người ở Hà Tĩnh đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, lơ mơ và nôn mửa do ngộ độc khí CO khi đốt than sưởi ấm trong phòng kín.

Ngày 15/12, Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) tiếp nhận 4 bệnh nhân trong cùng một gia đình trú tại xã Việt Tiến. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đầu, khó thở, nôn mửa và ý thức lơ mơ.

Theo thông tin từ người nhà, do vợ vừa sinh con nên người chồng đã đốt than hoa, bỏ vào nồi đất để sưởi ấm trong phòng ngủ, đóng kín cửa để giữ nhiệt.

Sáng hôm sau, hai vợ chồng cùng con gái 6 tuổi đều tỉnh giấc với biểu hiện đau đầu, chóng mặt, ý thức mơ hồ. Bé sơ sinh trong gia đình liên tục khóc. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, họ lập tức gọi người thân đến hỗ trợ và đưa cả gia đình đến bệnh viện cấp cứu.

Tại Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà, các bác sĩ nhanh chóng xử trí cấp cứu, giúp cả 4 bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Hiện tình trạng sức khỏe của cả gia đình đã ổn định và tỉnh táo.

voh-thumb (8)
Bác sĩ thăm khám cho các bệnh nhân.Ảnh: SK&ĐS

BSCKI Nguyễn Hữu Thạch, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực và Chống độc, cho biết: “Việc đốt than trong phòng kín sẽ làm giảm lượng oxy trong không khí, đồng thời sản sinh ra khí CO. Đây là loại khí không màu, không mùi, rất khó phát hiện, đặc biệt nguy hiểm khi nạn nhân đang ngủ.”

Bác sĩ Thạch cũng nhấn mạnh: “Hàng năm, vào mùa lạnh, trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc khí CO do đốt than sưởi ấm. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời.”

Khí CO (carbon monoxide) là sản phẩm của quá trình đốt cháy không hoàn toàn nhiên liệu như than, củi, gas. Khi hít phải, khí CO sẽ kết hợp với hemoglobin trong máu, ngăn cản quá trình vận chuyển oxy đến các cơ quan, dẫn đến tình trạng thiếu oxy và tổn thương não.

Triệu chứng của ngộ độc khí CO thường bao gồm: Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, khó thở, lơ mơ, mất ý thức, co giật, hôn mê trong trường hợp nặng. Nếu không được cấp cứu kịp thời, ngộ độc CO có thể để lại di chứng nặng nề, thậm chí tử vong.

Khuyến cáo từ chuyên gia y tế

- Để phòng tránh ngộ độc khí CO trong mùa lạnh, bác sĩ khuyến cáo người dân:

- Tuyệt đối không đốt than, củi hoặc dùng bếp gas để sưởi ấm trong phòng kín.

- Lựa chọn các biện pháp an toàn hơn như dùng đèn sưởi, quạt sưởi điện, mặc đủ ấm, sử dụng chăn đệm và che chắn tránh gió lùa.

Khi nghi ngờ có người bị ngộ độc khí CO, cần nhanh chóng mở cửa, thông thoáng không gian để loại bỏ khí độc sau đó đưa nạn nhân ra khu vực thoáng khí, gọi cấp cứu ngay lập tức hoặc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Bác sĩ cũng cảnh báo, khi ngộ độc CO ở mức trên 60%, nguy cơ hôn mê và tử vong là rất cao. Việc phát hiện và can thiệp sớm đóng vai trò quan trọng trong cứu sống nạn nhân và hạn chế di chứng.

Bình luận