Tiêu điểm: Nhân Humanity

F0 điều trị tại nhà cần tránh 4 sai lầm này

(VOH) - Mặc dù các hướng dẫn về việc tự điều trị covid-19 tại nhà đã được Bộ Y tế ban hành và các y bác sĩ tư vấn rộng rãi những vẫn có nhiều bệnh nhân Covid-19 làm sai khi điều trị tại nhà.

Nhằm tránh tình trạng quá tải người mắc Covid-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị và tạo tâm lý thoải mái cho F0 mau chóng hồi phục sức khỏe, cơ quan y tế đã đưa ra các thông tin cụ thể về loại thuốc điều trị, chế độ dinh dưỡng, cách xử lý khi bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà... nhưng trong thực tế, do quá lo lắng, căng thẳng, người bệnh đã gặp không ít sai lầm khi tự điều trị cho mình.

Dưới đây là một số sai lầm khi người bệnh tự điều trị Covid-19 tại nhà – được tổng hợp từ các bác sĩ thuộc đội ngũ bác sĩ tình nguyện điều trị F0 tại nhà.

Hoang mang, mất bình tĩnh...

Hiện nay, lực lượng y bác sĩ các bệnh viện tại TPHCM đang căng sức điều trị cho bệnh nhân Covid-19, nhiều bệnh viện đã đến ngưỡng quá tải... Do đó, việc điều trị F0 tại nhà là một trong những cách giúp giảm tải cho bệnh viện, đồng thời giúp các y bác sĩ có thời gian, không gian tập trung để điều trị bệnh nhân nặng.

Ngay khi phát hiện nhiễm Covid-19 tại nhà, người bệnh có thể gọi tới đường dây nóng hoặc nhận tư vấn, hướng dẫn từ xa của bác sĩ qua các ứng dụng chăm sóc sức khoẻ thông minh.

Tuy nhiên, đôi khi do quá tải, việc kết nối với y tế địa phương hoặc nhân viên ý gặp khó khăn, bệnh nhân tự nhiên trở nên hoang mang vì bệnh tình của mình và có cảm giác “bị bỏ rơi”. Điều này khiến không ít người nhanh chóng suy sụp – dẫn tới việc dù cơ thể chỉ có chút triệu chứng nhưng tự cảm giác bệnh trở nặng và tự cho rằng mình không thở nổi nữa.

Xem thêm: F0 - Không đơn độc trong hành trình vượt qua Covid-19

Thực tế, ngay cả khi một người không bị nhiễm Covid-19, việc mất bình tĩnh trong tình huống nào đó cũng khiến tim đập nhanh, hồi hộp và khó thở hơn – chứ không chỉ nhiễm Covid-19 mới có triệu chứng này.

Hãy coi nhiễm Covid-19 cũng giống như nhiễm cúm, cảm và vài ngày sẽ tự vượt qua bởi không ít người cao tuổi (80-90 tuổi), hay nhiều gia đình mắc Covid-19 đã có thể vượt qua căn bệnh khi giữ vững được tinh thần thoải mái, lạc quan trong quá trình điều trị.

Một bác sĩ giấu tên chia sẻ: “Vui vẻ trong mọi hoàn cảnh vẫn tốt hơn là buồn chán. Việc lo nghĩ tiêu cực quá nhiều khiến cho bệnh từ nhẹ thành nặng và trở nặng nhanh hơn. Do đó, quá trình tới nhà thăm, khám cho các bệnh nhân F0, tôi luôn nhắn nhủ với họ rằng, bệnh Covid-19 cũng chỉ “hành” mình có nhiêu đó. Mình vui thì hết nhanh, buồn thì nó hết chậm, nên cứ vui để nhanh xét nghiệm âm tính, vậy mới thoát cách ly được. Khi nhận được sự động viên, sự quan tâm từ y bác sĩ, tâm trạng của bệnh nhân cũng được cải thiện hơn”.

Bệnh nhân tự uống thuốc và thuốc gì cũng uống

Không chỉ khi nhiễm covid-19 mà người dân Việt Nam bình thường vốn đã “nổi tiếng” với việc tự mua thuốc (theo triệu chứng), tự uống thuốc (theo Google). Khi dịch Covid-19 trở nên phức tạp, việc tích trữ thuốc trở nên phổ biến, người bệnh cũng vì vậy mà uống thuốc “loạn xạ” khi cảm thấy xuất hiện triệu chứng gì đó. Không ít người thậm chí còn nghĩ rằng “uống liều cao hơn” để “nhanh khỏi hơn”.

Xem thêm: Cẩm nang phòng, chống Covid-19: Đăng ký tiêm vaccine và điều trị F0 tại nhà như thế nào?

Thực tế, mọi người đều phải cẩn trọng khi uống thuốc. Các loại thuốc đang được Bộ Y tế hướng dẫn điều trị cho bệnh nhân Covid-19 hiện nay là thuốc kháng viêm corticoid và thuốc chống đông đường uống - đều là những loại thuốc phải uống theo chỉ định của bác sĩ. Do đó, nếu đã trữ được các loại thuốc này, người bệnh nên liên hệ với các lực lượng y tế hỗ trợ tư vấn cho bệnh nhân để thông tin cụ thể về triệu chứng của mình, các loại thuốc mình có và nhận lại sự tư vấn cụ thể về liều lượng thuốc cần uống, hoặc không nhất thiết phải uống.

Ngoài ra, bệnh nhân/người nhà bệnh nhân cũng có thể lưu số điện thoại của bác sĩ điều trị F0 tại nhà để được tư vấn nhanh hơn khi cần.

điều trị covid-19 tại nhà
Hiện nay, mỗi bệnh nhân F0 được cách ly, điều trị tại nhà đều nhận được túi thuốc bao gồm thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc và thiết kế kèm mã QR vào nhóm bác sĩ hỗ trợ. (Ảnh: HCDC)

Hiện nay, các loại thuốc kháng viêm corticoid (dexamethason, methylprednisolon) được khuyến cáo là có lợi khi bệnh trở nặng vì thuốc ức chế tác hại của hệ miễn dịch lên cơ thể. Trong trường hợp bệnh nhân bệnh nhẹ, triệu chứng “sơ sơ” – nếu uống trong giai đoạn sớm (thời điểm vi rút sinh sôi, ức chế miễn dịch) có thể khiến vi rút sinh sôi mạnh hơn, bệnh nhân lâu khỏi bệnh, đồng thời có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch có hại mạnh hơn. 

Đối với các thuốc chống đông đường uống (rivaroxaban, apixaban...) trường hợp nhẹ thì không nên dùng vì nguy cơ gây chảy máu, đặc biệt trên những bệnh nhân có đang dùng thuốc kháng đông (loãng máu) khác. Chỉ khi nào bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng mới nên uống.

Bệnh nhân đóng kín cửa rồi kêu “ngộp thở”

Khi nhiễm Covid-19 hoặc chưa nhiễm Covid-19 – các gia đình đều được khuyến cáo là mở cửa sổ, thoáng khí để hạn chế sự lây lan của vi rút.

Thực tế, có những bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà đã đóng chặt các cửa để ngăn ngừa lây lan cho hàng xóm. Không gian trong nhà nhỏ hẹp, lại đóng kín cửa cả ngày nên bệnh nhân cảm thấy ngột ngạt, dẫn tới khó thở hơn. Từ đây, tâm lý lo lắng lại xuất hiện khiến việc điều trị trở nên khó khăn.

Vi rút SARS-CoV-2 vốn tồn tại trong các giọt bắn, những giọt bắn nhỏ có thể lơ lửng trong không khí một thời gian nhưng trong môi trường thoáng thì lập tức loãng đi nhanh chóng, không có chuyện nó tự do bay nhiều mét từ nhà này sang nhà kia. Vì vậy, người bệnh nên mở các cửa sổ để nhà thông thoáng, phòng ngừa nhiều bệnh. Nếu không may trong nhà xuất hiện F0 thì việc mở cửa sổ cũng khiến không gian ở trong nhà thoáng gió hơn, vi rút khó lây lan cho các thành viên trong gia đình vì nồng độ vi rút đã loãng đi.

Xem thêm: TPHCM: 2.563 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO

Người bệnh trùm mền chứ không vận động

Các triệu chứng phổ biến nhất của Covid-19 là sốt, ho khan và mệt mỏi. Các triệu chứng khác ít phổ biến hơn và có thể ảnh hưởng đến một số bệnh nhân bao gồm mất vị giác hoặc khứu giác, đau nhức, nhức đầu, đau họng, nghẹt mũi, đỏ mắt, tiêu chảy hoặc phát ban trên da.

Đối với người nhiễm Covid-19 tự cách ly và điều trị tại nhà hiện nay, khi gặp các triệu chứng trên (dù nặng, hoặc nhẹ) đều có tâm lý nghỉ ngơi, nằm cả ngày chứ không cố gắng vận động, tập thể dục nhẹ nhàng.

Thực tế, trong lúc tập thể dục, hai cơ quan là tim và phổi sẽ hoạt động tốt hơn. Khi người bệnh vận động, dù chỉ là đi lại, vung tay thì phổi vẫn hoạt động tốt hơn mang vào cơ thể nhiều oxy hơn và thải khí carbonic; tim sẽ bơm oxy đến các cơ đang vận động; các cơ bắp làm việc sẽ sử dụng nhiều oxy hơn và sinh ra nhiều khí carbonic hơn.

Người bệnh Covid-19 có thể thử, vận động nhẹ nhàng, hít thở sâu, đều đặn – sau đó đo chỉ số SpO2 sẽ thấy được sự thay đổi rõ rệt giữa hai thời điểm không vận động và vận động. Theo đó, khi cơ thể vận động chỉ số bão hòa oxy động mạch trên máy SpO2 sẽ cao hơn nhiều.

Khi không vận động, cơ thể có thể bị thiếu oxy máu, các cơ quan như tim, gan, não... sẽ chịu tác động tiêu cực rất nhanh. Vì vậy, dù nhiễm Covid-19, người bệnh vẫn nên dậy, đi lại trong nhà, cố gắng vận động theo khả năng để tự cung cấp oxy cho máu, đồng thời cần theo dõi chỉ số SpO2 thường xuyên để kịp thời can thiệp nếu xảy ra tình trạng nguy hiểm.

Xem thêm: Bài tập phục hồi chức năng phổi cho người nhiễm COVID-19

Ngày 17/8 Sở Y tế TPHCM đã cập nhật “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” phiên bản 1.3, đáng chú ý trong phần đính kèm văn bản, Sở Y tế TPHCM đã cung cấp hướng dẫn toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà dành cho người từ 18 tuổi trở lên.

Theo đó, các trường hợp F0 hội đủ các điều kiện bao gồm: không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ (không có suy hô hấp: SpO2 ≥ 96%; nhịp thở ≤ 20 lần/ phút), dưới 50 tuổi, không có bệnh nền, không đang mang thai, không béo phì.

Đồng thời người F0 phải đáp ứng các yêu cầu về khả năng tự chăm sóc cũng như các đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất có thể được chăm sóc, theo dõi sức khỏe tại nhà.

Theo toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà được cung cấp, Sở Y tế TPHCM chia sẻ các thuốc điều trị tại nhà bao gồm: thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền), thuốc kháng vi rút, thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống trong một số trường hợp nhất định.

Trong đó thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống được chỉ định cho người có triệu chứng sớm của suy hô hấp và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Bình luận