Tiêu điểm: Nhân Humanity

F1 không phải cách ly nhưng tránh tiếp xúc với người có nguy cơ cao, người mắc bệnh nặng

(VOH) - F1 không phải cách ly nhưng tránh tiếp xúc với người có nguy cơ cao, người mắc bệnh nặng - đây là 1 trong những nội dung được Bộ Y tế nhấn mạnh tại hướng dẫn mới nhất.

Theo hướng dẫn mới về điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19 và biện pháp y tế đối với ca bệnh COVID-19 và người tiếp xúc gần (F1) ngày 15/4 của Bộ y tế, người tiếp xúc gần (F1) là một trong số các trường hợp sau: Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể...) với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền của F0;

Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 1 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với F0 đang trong thời kỳ lây truyền;

Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 1 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 đang trong thời kỳ lây truyền;

Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị F0 khi đang trong thời kỳ lây truyền định mà không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân theo quy định.

f1-khong-phai-cach-ly-nhung-tranh-tiep-xuc-voi-nguoi-co-nguy-co-cao-nguoi-mac-benh-nang-voh.com.vn-anh1
F1 không phải cách ly nhưng tránh tiếp xúc với người có nguy cơ cao, người mắc bệnh nặng. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Y tế, thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định như sau: Đối với F0 có triệu chứng, thời kỳ lây truyền tính từ 2 ngày trước và 10 ngày sau khởi phát và thêm ít nhất 3 ngày sau khi hết triệu chứng (sốt và các triệu chứng đường hô hấp);

Đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng, thời kỳ lây truyền tính từ 10 ngày trước và 10 ngày sau khi lấy mẫu có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Đối với F1, trong vòng 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với F0 đang trong thời kỳ lây truyền, F1 phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp sau:

Bảo đảm biện pháp phòng tránh lây nhiễm: đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch/dung dịch sát khuẩn tay nhanh, hạn chế tiếp xúc gần với người khác, đặc biệt là tránh tiếp xúc người có nguy cơ cao, người mắc bệnh nặng; không dùng chung vật dụng trong sinh hoạt, làm việc, học tập; hạn chế đến những nơi tập trung đông người.

Tự theo dõi sức khỏe (đối với trẻ em, học sinh thì cha mẹ/người giám hộ/giáo viên theo dõi sức khỏe cho trẻ em, học sinh) khi có triệu chứng của bệnh sốt và ho; hoặc có ít nhất 3 trong số các triệu chứng sau: sốt; ho; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; đau, nhức đầu; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; giảm hoặc mất khứu giác; giảm hoặc mất vị giác; buồn nôn; nôn; tiêu chảy; khó thở) cần báo ngay cho cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định.

Khi có kết quả dương tính với virus COVID-19 phải báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được tư vấn, chăm sóc, điều trị và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm theo quy định.

Trước đó, theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong công văn 762/BYT-DP ngày 21/2/2022, những người được xác định là F1 thì phải cách ly y tế để phòng chống dịch. Cụ thể:

F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc khỏi COVID-19 trong vòng 3 tháng: cách ly 5 ngày tại nhà, nơi cư trú, khu vực đủ điều kiện cách ly.

F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19: cách ly y tế 7 ngày.

Theo thống kê của Bộ Y tế cho biết, ngày 15/4 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 20.076 ca COVID-19 mới (giảm 2.936 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố, trong đó có 15.555 ca trong cộng đồng.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 25.163 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.394.533 ca COVID-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 105.104 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.386.786 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.531.044), TP. Hồ Chí Minh (605.596), Nghệ An (474.374), Bình Dương (382.453), Bắc Giang (378.943).

Tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta được điều trị khỏi: 8.863.044 ca

Số bệnh nhân đang thở ô xy là 1.242 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 953 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 81 ca; Thở máy không xâm lấn: 54 ca; Thở máy xâm lấn: 151 ca; ECMO: 3 ca

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 22 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.924 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Bình luận