Khi nhập viện, các bệnh nhân trên được chẩn đoán viêm phổi do NTM.
NTM tên khoa học là Nontuberculous mycobacteria. Vi khuẩn NTM thường gây tổn thương phổi mạn tính (94%), ngoài ra có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác như hạch, da, mô mềm.
Hiện tại vi khuẩn này có trên 190 loài, tồn tại thường xuyên môi trường ô nhiễm như đất, nước, không lây truyền từ người sang người.

NTM gây bệnh do người bệnh hít hoặc nhiễm phải bụi bẩn, đất, nước chứa vi khuẩn. Chúng thường gây tổn thương phổi mạn tính có thể đến 20 tháng mới có biểu hiện triệu chứng và thấy tổn thương rõ trên cắt lớp vi tính ngực.
Tại Việt Nam chưa có báo cáo thống kê chính xác nhưng số lượng bệnh liên quan tới vi khuẩn này ngày càng nhiều. Tại Mỹ tỷ lệ bệnh này cũng ngày càng gia tăng, chiếm 8% ca nhiễm mới và có khoảng 12.000-18.000 ca mới phát hiện.
Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc NTM trong đó đối tượng cao nhiễm NTM gồm người cao tuổi, người có bệnh phổi mạn tính như giãn phế quản; người dân lao động thường xuyên tiếp xúc môi trường đất, nước; người bị suy dinh dưỡng, miễn dịch suy giảm.
Bệnh thường biểu hiện rất thầm lặng mạn tính như mệt mỏi, sút cân, ăn kém, ho kéo dài... hoặc không triệu chứng, triệu chứng nặng hay nhẹ tùy mức độ tổn thương phổi của bệnh.
Ngoài ra NTM còn có thể gây bệnh tại nhiều cơ quan như da, mô mềm, khớp, hạch... nên biểu hiện triệu chứng rất đa dạng.
Bệnh thường khó chẩn đoán do tổn thương phổi tiến triển chậm (có thể mất 20 tháng bệnh nhân mới biểu hiện triệu chứng và trên hình ảnh học). Triệu chứng mạn tính dễ nhầm với bệnh lý khác của phổi như viêm phổi, giãn phế quản nếu không được theo dõi định kỳ.
Việc điều trị bệnh tùy thuộc vào chủng vi khuẩn và triệu chứng của người bệnh nhưng thời gian điều trị và theo dõi rất dài.
Do đó, mọi người nên duy trì khám sức khỏe định kỳ, hoặc khám ngay khi có triệu chứng như trên, Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp giảm nguy cơ tiến triển nặng.