Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giãn tĩnh mạch ở tuổi mãn kinh là bệnh gì, có nguy hiểm không?

(VOH) – Giãn tĩnh mạch ở tuổi mãn kinh không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

1. Bệnh giãn tĩnh mạch khi mãn kinh là gì?

Giãn tĩnh mạch là tình trạng suy yếu chức năng dẫn máu về tim của các tĩnh mạch, khiến cho lượng máu đưa về tim không được hiệu quả, gây ứ đọng máu ở những phần thấp, thường là tại 2 chi dưới. 

Giãn tĩnh mạch thường gặp ở những người hay làm những công việc phải ngồi nhiều hoặc đứng nhiều và những người lớn tuổi, nhất là phụ nữ bước vào tuổi mãn kinh .

1.1 Vì sao phụ nữ tuổi mãn kinh dễ bị giãn tĩnh mạch?

Theo TS, BS Nguyễn Thị Thanh Hà (Giảng viên trường ĐH Y Dược TPHCM) phụ nữ tuổi mãn kinh dễ bị giãn tĩnh mạch là do tình trạng nội tiết của người phụ nữ giảm khiến cho tất cả các cơ quan trong cơ thể bị thay đổi, đặc biệt là thành tĩnh mạch hoạt động kém, giảm độ căng và giảm sự co bóp nên gây ra tình trạng ứ trệ.

Ngoài ra, tuổi tác và lối sống sinh hoạt ít vận động cũng là những yếu tố nguy cơ khiến phụ nữ tuổi mãn kinh phải đối mặt với tình trạng này.

gian-tinh-mach-o-tuoi-man-kinh-la-benh-gi-co-nguy-hiem-khong-voh

Bệnh giãn tĩnh mạch thường hay gặp ở phụ nữ tuổi mãn kinh (Nguồn: Internet)

Như vậy, giãn tĩnh mạch ở phụ nữ tuổi mãn kinh là tình trạng xảy ra do vấn đề ảnh hưởng của suy giảm nội tiết và tuổi tác, bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu gặp ở những người phụ nữ từng làm công việc có tính chất ngồi nhiều hoặc đứng nhiều, đến tuổi mãn kinh lại ít vận động.

1.2 Biểu hiện bệnh giãn tĩnh mạch

Các biểu hiện, triệu chứng của bệnh giãn tĩnh mạch tuổi mãn kinh thường là:

  • Có cảm giác hơi nóng râm ran ở vùng chân mày.
  • Bị vọp bẻ, chuột rút.
  • Đau cách hồi .
  • Có cảm giác chân bị sưng, chân nặng nề hoặc bị mỏi bàn chân, bắp chân.

Ngoài ra, TS, BS Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, nếu thấy dưới da xuất hiện các mạch máu màu tím, ngoằn ngoèo… thì đây là dấu hiệu cảnh báo bạn đã bị giãn tĩnh mạch, cần phải được điều trị càng sớm càng tốt.

1.3 Bệnh giãn tĩnh mạch ở tuổi mãn kinh có nguy hiểm?

Bệnh giãn tĩnh mạch nói chung và giãn tĩnh mạch ở phụ nữ tuổi mãn kinh nói riêng đều rất nguy hiểm vì nó có thể tạo ra những cục máu đông. Nếu những cục máu đông bị “bung” ra khỏi thành mạch chúng sẽ di chuyển trong hệ tuần hoàn về tim, về phổi để gây ra tình trạng đột quỵ, thuyên tắc phổi, thuyên tắc mạch vành, có thể gây ngưng tim ngay lập tức.

2. Cách điều trị giãn tĩnh mạch khi mãn kinh

Theo TS, BS Nguyễn Thị Thanh Hà, điều trị bệnh giãn tĩnh mạch sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó thời gian nhận biết bệnh sớm hay muộn sẽ là yếu tố tiên quyết đầu tiên. Nếu bệnh được phát hiện sớm thì những can thiệp sẽ vô cùng đơn giản, có thể chỉ là những thay đổi về lối sống, chế độ ăn uống, vấn đề chăm sóc sức khỏe…

gian-tinh-mach-o-tuoi-man-kinh-la-benh-gi-co-nguy-hiem-khong-1-voh

Nhận biết bệnh giãn tĩnh mạch là yếu tố tiên quyết đầu tiên để điều trị (Nguồn: Internet)

Nếu phát hiện muộn khi bệnh đã có những triệu chứng như loét ở phần chi dưới hoặc là bị tím phần chi dưới,… thì đây là tình trạng nặng, có thể bệnh đang chuyển sang tình trạng viêm và tình trạng tắc có thể xảy ra. Do đó, với trường này người bệnh nên đi khám sớm để được tư vấn điều trị thích hợp.

Thông thường các phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch sẽ được tiến hành từ đơn giản đến phức tạp, bao gồm:

  • Thay đổi lối sống bằng cách tập thể dục, đi bộ.. có thể kết hợp với các động massage đơn giản.
  • Mang vớ y khoa để giảm bớt tình trạng giãn tĩnh mạch, giảm bớt tình trạng tạo cục máu đông và khuếch tán cục máu đông.
  • Điều trị bằng thuốc với những trường hợp nặng. Khi điều trị nội khoa không giải quyết được thì bác sĩ sẽ chuyển qua điều trị ngoại khoa, nghĩa là sẽ can thiệp về mặt phẫu thuật, có thể phải cắt bỏ một số các tĩnh mạch, hoặc sẽ mở ra một số tĩnh mạch... 

Nói chung để phòng ngừa và có thể điều trị sớm bệnh giãn tĩnh mạch, người bệnh khi có những triệu chứng như tê chân, đau chân, vọp bẻ, nóng hoặc lạnh ở phần chi dưới hoặc có những vết lở loét… thì cần phải đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời, nhằm hạn chế thấp nhất những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

 
Bình luận