Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hen suyễn ở người cao tuổi: Nhận biết và điều trị đúng cách

(VOH) - Không chỉ trẻ em, người cao tuổi cũng nằm trong nhóm đối tượng dễ mắc bệnh hen suyễn. Vậy tình trạng hen suyễn ở người cao tuổi là như thế nào, nhận biết và điều trị ra sao?

Trong chương trình Phòng mạch FM, PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) đã chia sẻ những kiến thức cụ thể về tình trạng hen suyễn ở người cao tuổi. Qua đó, người bệnh có thêm hiểu biết để kịp thời nhận biết, điều trị cũng như phòng ngừa hiệu quả.

1. Vì sao người cao tuổi dễ mắc bệnh hen suyễn?

Sở dĩ người cao tuổi dễ mắc bệnh hen suyễn là do:

1.1 Sức đề kháng kém do quá trình lão hóa

Bác sĩ Nguyễn Thị Bay cho biết, quá trình tích tuổi từ từ sẽ làm lão hóa từng bộ phận trong cơ thể. Quá trình lão hóa này sẽ ảnh hưởng đến sức đề kháng, hệ miễn dịch. Do đó, nếu cơ địa thuộc cơ địa dị ứng, sức đề kháng giảm khi kết hợp với điều kiện thời tiết thay đổi sẽ làm xuất hiện cơn hen ở người cao tuổi nhiều hơn.  

hen-suyen-o-nguoi-cao-tuoi-nhan-biet-va-dieu-tri-dung-cach-voh

Quá trình lão hóa khiến người cao tuổi dễ mắc bệnh hen suyễn (Nguồn: Internet)

1.2 Các yếu tố môi trường và thực phẩm

Các yếu tố như phấn hoa, lông chó, lông mèo,…và rất nhiều thực phẩm có thể làm xuất hiện cơn khó thở, cơn hen. Đây chính là những nguyên nhân gây bệnh hen suyễn ở mọi đối tượng, kể cả người cao tuổi.

1.3 Do sử dụng thuốc nhiều

Ở người cao tuổi, ngoài các nguyên nhân trên thì bệnh hen suyễn còn do các loại thuốc. Nguyên nhân là do quá trình lão hóa khiến người cao tuổi dễ mắc các bệnh lý nền, những bệnh này cần sử dụng thuốc mà thuốc cũng chính là sản phẩm có thể gây dị ứng. Hơn nữa, thuốc còn trực tiếp tác động gây ra cơn hen. Các loại thuốc có liên quan đến bệnh hen suyễn ở người cao tuổi gồm có:

  • Thuốc điều trị tim mạch.
  • Thuốc điều trị bệnh tiểu đường.
  • Sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau nhiều do trong quá trình lão hóa, người tuổi sẽ bị loãng xương, thoái hóa khớp xương gây đau nhức. 

2. Dấu hiệu nhận biết hen suyễn ở người cao tuổi

Bác sĩ Bay cho biết, cơn hen ở người cao tuổi thường khởi đầu bằng triệu chứng thở khò khè, khó thở kèm theo tiếng rít, đôi khi ho bật vài tiếng hoặc không ho. Tùy vào mức độ mắc bệnh mà người bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau. Cụ thể:

2.1 Cơn hen nhẹ

Cơn khó thở thường kéo dài 3 – 4 cơn liên tiếp, sau đó người bệnh bật ra tiếng ho, cơn hen dịu xuống và họ trở lại bình thường. 

2.2 Cơn hen nặng

Nếu cơn hen nặng, người bệnh khò khè kèm theo khó thở. Cơn khó thở dồn dập liên tục, thậm chí kéo dài 10 – 15 phút. 

Khi cơn khó thở càng dài thì càng thiếu oxy và khi thiếu oxy, người bệnh sẽ bị đau tức ngực

2.3 Cơn hen ác tính

Cơn hen ác tính thường kéo dài liên tục, mỗi cơn hen sẽ giảm xuống bằng các đợt ho. Trong mỗi cơn hen như vậy người bệnh sẽ vô cùng khó thở. Nếu cứ xảy ra liên tục như vậy mà không cấp cứu thì người bệnh dễ bị suy hô hấp.

3. Bệnh hen suyễn ở người cao tuổi thường nặng, vì sao?

Bác sĩ Bay cho biết, hen suyễn ở người cao tuổi thường là những trường hợp bệnh nặng. Nguyên nhân là do cả người bệnh và người bác sĩ dễ nhầm lẫn và dễ bỏ sót.

3.1 Về phía người bệnh

Những người cao tuổi thường mắc chứng hay quên và việc quên dùng thuốc là điều khó tránh khỏi. Hơn nữa, khi kê thuốc cho người cao tuổi, bác sĩ thường chọn những liều thấp, việc này kết hợp với việc quên uống thuốc là điều kiện khiến bệnh hen suyễn ngày càng nặng hơn. 

3.2 Về phía người thầy thuốc

Theo bác sĩ Bay, triệu chứng bệnh ở người cao tuổi thường như “tảng băng chìm” nên người thầy thuốc, bác sĩ rất khó nhận biết. Người thầy thuốc nếu quan sát và thăm khám kỹ thì mới nhận ra. Với những bác sĩ thiếu kinh nghiệm thì việc chẩn đoán bệnh cho người cao tuổi rất dễ bị nhầm lẫn và sai sót. Việc chẩn đoán sai, đưa đến việc dùng thuốc sai sẽ khiến bệnh hen suyễn ngày càng trở nặng hơn.

4. Hen suyễn ở người cao tuổi nên điều trị bằng cách nào?

Vì người cao tuổi hay quên, chẳng hạn như quên không dùng đúng phác đồ, quên liều lượng nên việc điều trị rất cần sự hỗ trợ của người thân trong gia đình. 

Người cao tuổi có thể dùng thuốc uống, thuốc xịt hoặc thuốc xông để kiểm soát cơn hen. Sau khi thăm khám và chỉ định thuốc, bác sĩ sẽ hướng dẫn kỹ càng về liều lượng dùng, thời điểm xịt thuốc cũng như cách xịt như thế nào là hiệu quả. 

hen-suyen-o-nguoi-cao-tuoi-nhan-biet-va-dieu-tri-dung-cach-voh

Kiểm soát cơn hen bằng cách nào hiệu quả? (Nguồn: Internet)

Những người có cơn hen suyễn nặng thì nên trữ một bình dưỡng khí ở trong nhà. Lưu ý, không để bình dưỡng khí gần lửa và gần thuốc lá để tránh các điều kiện có thể gây nổ. 

Khi cơn hen bắt đầu, người bệnh khó thở thì hãy xịt khí dung nếu kịp thời. Trong trường hợp người bệnh “mụ mị” không thể làm gì được thì người nhà có thể xịt giúp người bệnh. Sau đó, gắn đầu của bình oxy vào trong mũi để người bệnh được thở oxy. 

5. Lời khuyên

Bác sĩ Bay cho biết, cơn hen ác tính sẽ xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng cơn hen vừa và nặng thường xảy ra lúc về đêm, khi thời tiết chuyển từ bình thường sang lạnh. Do đó, khi bắt đầu 12 giờ đêm, người bệnh đang ngủ bỗng xảy ra cơn khó thở thì hãy xịt khí dung 1 – 2 lần, nếu cơn hen xuống thì thôi. Nếu cơn hen cứ tiếp diễn (cơn hen nặng) thì người bệnh cần phải thở bằng oxy, sau khi cơn hen xuống, người bệnh phải ho, khạc cho nó ra, đồng thời áp dụng các tư thế nằm, ngồi để dễ thở.

 
Bình luận