Hút thuốc thụ động làm tăng gấp đôi nguy cơ bong nhau thai

NHẬT BẢN - Theo một nghiên cứu mới, việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động trong thai kỳ làm tăng hơn gấp đôi nguy cơ bị bong nhau thai, nguy cơ này còn cao hơn đối với phụ nữ mang thai có hút thuốc.

Bong nhau thai, tình trạng một phần nhau thai tách khỏi thành tử cung trước khi sinh, được ghi nhận xảy ra ở khoảng 0,4% đến 1% phụ nữ mang thai và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Một số yếu tố khác có thể dẫn đến tình trạng này bao gồm rối loạn tăng huyết áp thai kỳ, tuổi người mẹ cao và bị chấn động vùng bụng, tuy nhiên nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định.

bong nhau thai

Bong nhau thai là tình trạng một phần nhau thai tách khỏi thành tử cung trước khi sinh. - Ảnh: stock.adobe.com.

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia từ Đại học Tohoku, Nhật Bản chỉ ra rằng, việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động trong thai kỳ làm tăng hơn gấp đôi nguy cơ bong nhau thai, nguy cơ này còn cao hơn đối với phụ nữ mang thai có hút thuốc.

Trong cả hai trường hợp, nguy cơ bị bong nhau thai càng cao khi tần suất tiếp xúc với khói thuốc càng lớn.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ một cuộc khảo sát toàn quốc về sức khỏe trẻ em và môi trường sống, nhằm nghiên cứu mối liên hệ giữa tình trạng bong nhau thai với việc hút thuốc cũng như tiếp xúc với khói thuốc thụ động ở khoảng 82.000 phụ nữ mang thai.

Kết quả cho thấy, phụ nữ mang thai tiếp xúc với khói thuốc thụ động từ 4 đến 7 ngày mỗi tuần, ít nhất 1 giờ mỗi ngày, có nguy cơ bong nhau thai cao hơn gấp 2,34 lần so với những người không tiếp xúc.

Nguy cơ này cũng cao hơn 2,21 lần đối với những thai phụ hút ít nhất 11 điếu thuốc mỗi ngày so với người không hút thuốc.

Trong số các phụ nữ mang thai thực sự bị bong nhau thai, có khoảng 2,8% được cho là do hút thuốc và khoảng 3% do tiếp xúc với khói thuốc thụ động.

Phó Giáo sư Hirotaka Hamada từ Bệnh viện Đại học Tohoku, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, các chất độc hại trong thuốc lá có thể làm giảm lưu lượng máu đến nhau thai, từ đó làm tăng nguy cơ bong nhau thai.

Ông Hamada nhấn mạnh rằng, việc tăng cường chính sách và hoạt động giáo dục nhằm giảm thiểu tình trạng tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nơi công cộng và trong gia đình là rất cần thiết.

Bình luận