Khi phải đối diện với con chó đang đe dọa: Hãy nhớ đừng hoảng loạn
Chú ý các dấu hiệu cảnh báo. Loài chó thường không hung hăng mà chúng chỉ tò mò hoặc bảo vệ nơi mà chúng cho là lãnh thổ của mình. Chú ý những dấu hiệu hung hăng (hoặc không hung hăng) thường thấy: Gầm gừ, nhe nanh là những biểu hiện rõ rệt của sự gây hấn.
Một con chó đang giận dữ có thể trợn mắt, hai tai cụp về sau và sát vào đầu là dấu hiệu biểu lộ sự hung hăng, trong khi tai chó mềm tự nhiên và dựng lên thường là dấu hiệu thờ ơ.
Nếu chó tiếp cận bạn nhưng thân mình thả lỏng và phần giữa thân cong xuống, có lẽ con chó đó không tấn công. Khi thân mình chó căng, thẳng và cứng nhắc (đầu, vai và hông thẳng hàng) tức là có vấn đề. Dáng điệu nhảy cẫng lên cho thấy chó vui vẻ và đang tò mò tìm hiểu bạn. Dáng chạy đều đều (thủ thế) có nghĩa con chó đó có thể nguy hiểm.
Theo nghiên cứu, chó và cả các loài động vật khác, có thể “cảm nhận được nỗi sợ”. Vì thế khi chúng tiến về phía bạn ở khoảng cách gần, hãy đừng quay lưng lại cố bỏ chạy. Hành động bỏ chạy có thể đánh thức bản năng săn mồi của chó. Nó có thể hung hãn đuổi theo bạn dù thoạt đầu chỉ định vui đùa. Hơn nữa, bạn khó có thể chạy nhanh hơn chó nếu đang mất bình tỉnh.
Nên đánh lạc hướng chó bằng một vật khác. Nếu con chó vẫn tiếp tục đe dọa, bạn hãy cho nó một món gì đó để nhai, chẳng hạn như chiếc ba lô hoặc chai nước. Việc này có thể đánh lạc hướng con chó trong một thời gian đủ để bạn chạy thoát.
Đối mặt với chó và ra lệnh, “lùi lại”. Nếu con chó vẫn tỏ ra hung hãn, đồng thời thái độ phớt lờ hoặc xoa dịu không có hiệu quả, bạn phải đối mặt với nó và nghiêm khắc ra lệnh cho nó rút lui. Dùng giọng nói dứt khoát, mạnh mẽ và quyết đoán.
Từ từ và cẩn thận rời khỏi nơi đó. Khi con chó bớt chú ý đến bạn, bạn cần rời khỏi nơi đó bằng cách chầm chậm lùi ra xa mà không cử động đột ngột. Việc giữ bình tĩnh và đứng yên có thể là phép thử thực sự cho thần kinh của bạn trong tình huống căng thẳng như vậy, nhưng đó là cách ứng phó tốt nhất khi con chó không thực sự cắn.
Chống trả khi chó tấn công: Nếu con chó bắt đầu cắn bạn, bạn phải tự vệ. Nên kêu cứu trong khi chống trả con chó.
Đánh hoặc đá vào cổ họng, mũi và gáy của chó làm nó choáng và bạn có thời gian chạy thoát. Lúc này bạn có thể kêu lên. Hy vọng có ai đó nghe thấy và đến hỗ trợ bạn. Tuy nhiên tránh kêu thét vì điều này có thể khiến con chó tăng cường tấn công.
Nếu bạn có gậy hoặc một vũ khí nào đó, bạn có thể (và nên) dùng để đánh con chó. Tuy nhiên bạn đừng đánh trên đầu chó; chó thường có sọ rất dày, do đó việc này chỉ khiến nó thêm giận dữ.
Lợi dụng sức nặng của bạn: Dùng toàn bộ trọng lượng cơ thể đè lên con vật, đặc biệt dùng những điểm cứng như đầu gối và khuỷu tay ấn mạnh xuống. Chó là loài vật cắn rất khỏe, nhưng ngoài cắn bằng hàm ra, nó không thể chống cự hay né tránh, do đó bạn hãy cố gắng tận dụng lợi thế về vị trí và nhanh chóng hạ gục chúng. Đè lên trên con vật và tập trung lực vào các bộ phận như cổ họng hoặc xương sườn, đồng thời chú ý đưa mặt ra xa khỏi tầm cào hoặc cắn của con vật.
Yếu tố quan trọng nhất: Bảo vệ mặt, ngực và cổ họng
Nếu bị ngã xuống đất trong lúc bị chó tấn công thì không những bạn sẽ khó khăn hơn khi chống trả con chó đang giận dữ, mà các bộ phận quan trọng trên thân mình, đầu và cổ bạn cũng sẽ dễ bị tấn công. Đó là những điểm quan trọng nhất trên cơ thể mà bạn cần bảo vệ, vì những vết cắn ở những chỗ này gây tổn thương nặng nhất và có nguy cơ gây tử vong cao nhất.
Bảo vệ những bộ phận quan trọng này bằng cách úp sấp người hoặc, co đầu gối lại và đưa tay lên tai (tay nắm lại). Cố gắng không kêu la hoặc lăn lộn ra xa, vì những hành động này có thể khiến chó bị kích động thêm.
>>> Chó cắn phải xử lý như thế nào cho an toàn?
Xử lý an toàn khi bị chó cắn là điều cực kỳ quan trọng mà ai cũng cần phải biết để phòng tránh bệnh dại có thể xảy ra.
>>> Giúp trẻ an toàn khi tiếp xúc thú cưng
(VOH) - Không thể phủ nhận rằng, tiếp xúc và chăm sóc vật nuôi sẽ giúp trẻ học được nhiều điều thú vị về kỹ năng sống, tinh thần trách nhiệm, sự tự tin… nhưng ở một góc độ nào đó, vật nuôi cũng có thể là hiểm họa với trẻ nhỏ.