Tiêu điểm: Nhân Humanity

Moderna và Merck công bố kết quả khả quan về vaccine ngừa ung thư da

(VOH) - Moderna và Merck công bố thử nghiệm vaccine của họ trên 150 người bị u hắc tố ác tính cùng lúc với việc dùng thuốc trị ung thư Keytruda đã giảm 44% nguy cơ ung thư tái phát hoặc tử vong.

Ngày 13/12, các phòng thí nghiệm Moderna và Merck của Mỹ đã công bố kết quả sơ bộ khả quan đối với vaccine công nghệ RNA thông tin (mRNA) đang được phát triển để chống ung thư da, khi sử dụng kết hợp với một loại thuốc chống ung thư.

Trong một cuộc thử nghiệm, khoảng 150 người bị u hắc tố ác tính đã dùng vaccine cùng với thuốc trị ung thư Keytruda, kết quả cho thấy giảm 44% nguy cơ ung thư tái phát hoặc tử vong so với những người chỉ được điều trị bằng thuốc chống ung thư.

Moderna và Merck công bố kết quả khả quan về vaccine ngừa ung thư da 1
Ảnh minh họa

"Lần đầu tiên, chúng tôi đã chứng minh tiềm năng của mRNA có tác động trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên ở khối u ác tính", Stéphane Bancel, Giám đốc của Moderna tuyên bố trong một thông cáo báo chí.

Moderna và Merck, hãng dược được biết đến với tên gọi là MSD bên ngoài khu vực Bắc Mỹ, có kế hoạch sẽ sớm công bố kết quả đầy đủ của thử nghiệm, mặc dù kết quả này vẫn chưa được đồng kiểm chứng. Bên cạnh đó, hai hãng này cũng có kế hoạch triển khai thử nghiệm giai đoạn 3 vào năm 2023, với số lượng bệnh nhân tham gia thử nghiệm nhiều hơn.

Công nghệ mRNA trước đó đã được chứng tỏ được tầm quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Và Moderna cũng tạo ra một bước đột phá trên thị trường dược phẩm khi trở thành một trong những công ty đầu tiên cùng với Pfizer-BioNTech, cung cấp vaccine chống lại Covid-19 bằng cách sử dụng công nghệ mRNA. Công nghệ này được coi là đầy hứa hẹn trong cuộc chiến chống lại nhiều bệnh khác. Hơn nữa, thuốc trị ung thư Keytruda cũng đã được cấp phép độc quyền tại Mỹ.

Theo như tuyên bố giải thích, vaccine ngừa u hắc tố ác tính được phát triển là "tùy vào từng thể trạng", nó "được cấu thành và sản sinh dựa trên dấu hiệu đột biến duy nhất" được xác định trên khối u của bệnh nhân. Trong cuộc thử nghiệm, các bệnh nhân đã phẫu thuật cắt bỏ khối u trước khi được điều trị với việc tiêm tới 9 liều vaccine.

Có khoảng 325.000 trường hợp u ác tính mới được chẩn đoán vào năm 2020 trên toàn thế giới.

Hồi tháng 10, hai hãng dược của Mỹ thông báo rằng họ đã ký một thỏa thuận để cùng phát triển và cho ra mắt thị trường loại vaccine chống ung thư da này. Theo đó, hai hãng sẽ cùng chia sẻ chi phí và lợi nhuận.

Bình luận