Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nấm độc: cách nhận biết và xử lý khi chẳng may bị ngộ độc nấm

(VOH) – Nấm là thực phẩm giàu dinh dưỡng, rất có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên, nếu không biết cách phân biệt nấm độc và nấm lành, bạn dễ bị ngộ độc nấm. Vậy làm sao để phân biệt nấm độc và nấm ăn được?

Ăn nấm có lợi gì?

Dược sĩ Lê Kim Phụng (Giảng viên Trường Đại học Y dược TPHCM) cho biết, theo thống kê, trong thiên nhiên có khoảng 7 vạn loài nấm nhưng chỉ có hơn 100 loài nấm là có thể ăn được và dùng làm thuốc.

Trong ẩm thực, các loại nấm được dùng phổ biến là nấm mèo, nấm bào ngư, nấm hương, nấm mỡ, nấm mối, nấm kim châm,…Và trong y học cổ truyền, một số loại nấm thường dùng làm thuốc là nấm trư linh, nấm phục linh (nấm mọc trên rễ cây thông),…

nam-doc-cach-nhan-biet-va-xu-ly-khi-chang-may-bi-ngo-doc-nam-voh-1

Các loại nấm rất giàu dinh dưỡng (Nguồn: Internet)

Dược sĩ Phụng cho biết, nhiều công trình nghiên cứu và chứng minh các thành phần dinh dưỡng trong các loại nấm có những tác dụng sau đây:

  • Tăng cường sức đề kháng.
  • Chống lão hóa.
  • Kích thích cơ thể sản sinh ra các hoạt chất như interferon, đây là chất có khả năng ức chế quá trình sinh trưởng của các loại virus, ngăn ngừa quá trình hình thành và phát triển của tế bào ung thư trong cơ thể. 
  • Phụ nữ thường xuyên ăn nấm sẽ giúp lưu thông khí huyết, thải độc tố ra khỏi cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
  • Nam giới ăn nhiều nấm giúp phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt.
  • Ăn nấm cũng giúp phòng bệnh tim mạch.

Như vậy, nấm là loại thực phẩm không chỉ giàu giá trị dinh dưỡng mà còn có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhất là hỗ trợ phòng và chữa bệnh. 

Cách nhận biết nấm độc

Dược sĩ Phụng cho biết, trên thực tế đã có nhiều trường hợp nguy kịch do ăn phải nấm độc. Vì vậy, việc nắm rõ những đặc tính của nấm độc để dễ dàng nhận biết và loại trừ ngay là điều ai cũng cần phải biết. 

Để nhận biết nấm độc, bạn có thể dựa vào một số đặc điểm của nấm độc sau đây:

  • Màu sắc sặc sỡ và rất đẹp.
  • Thường mọc ở những nơi ẩm ướt và môi trường ô nhiễm. 
  • Nấm độc có chứa nhiều nước, có chất trắng đục như sữa bò.
  • Rễ nấm độc có khuynh hướng thay đổi màu sắc khi chế biến bằng cách dụng cụ bằng bạc, đôi khi biến các dụng cụ bằng bạc thành màu đen.

Khi bạn đi hái nấm và nhận thấy chúng có những đặc điểm như trên thì không nên sử dụng chúng để tránh bị ngộ độc nấm.

nam-doc-cach-nhan-biet-va-xu-ly-khi-chang-may-bi-ngo-doc-nam-voh-2

Nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ (Nguồn: Internet)

Dấu hiệu nhận biết ngộ độc nấm

Khi ăn phải nấm độc, tùy theo loại nấm độc mà nạn nhân có biểu hiện ngộ độc khác nhau. Tuy nhiên, những trường hợp ngộ độc nấm thường có những biểu hiện chung là:

  • Đau bụng dữ dội.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Toàn thân mệt mỏi, chân tay lạnh, khát nước.
  • Đi cầu nhiều lần trong ngày.
  • Những trường hợp ngộ độc nấm nặng có thể bị trụy tim hoặc tử vong.

Khi có những dấu hiệu ngộ độc nấm thì nên đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Cách giải độc ngộ độc nấm tại nhà

Theo dược sĩ Phụng, trong thời gian chờ đợi được đưa đến bệnh viện cấp cứu thì nạn nhân bị ngộ độc nấm có thể giải độc bằng những cách sau đây:

  • Uống nước trà vì trong nước trà có các hoạt chất giúp làm tủa độc tố, không cho chúng phát tán sâu vào trong cơ thể.
  • Nấu nước rễ cam thảo để uống. Cam thảo có tác dụng giải độc rất tốt, sau khi nạn nhân uống nước cam thảo thì hãy tìm cách cho họ nôn mửa để tống các độc tố ra ngoài.

Lời khuyên: Không thể phủ nhận nấm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, giúp bồi bổ sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật, tuy nhiên để tránh nguy hiểm cho sức khỏe, bạn nên sử dụng các loại nấm thông thường đã được chứng minh không chứa độc tố như nấm rơm, nấm mỡ, nấm đông cô, nấm mèo (mộc nhĩ),…Đối với các loại nấm lạ, nếu không có kiến thức và sự hiểu biết về chúng thì tốt nhất không nên sử dụng.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của dược sĩ Lê Kim Phụng tại audio bên dưới:

Lợi ích sức khỏe khi ăn nấm rơm thường xuyên: Nấm rơm là loại thực phẩm quen thuộc, dễ chế biến với nhiều món ăn khác nhau. Đây không chỉ là thực phẩm giàu dinh dưỡng mà còn có tác dụng chữa bệnh.
Tác dụng của nấm mèo và một số điều cần lưu ý khi sử dụng: Có rất nhiều thực phẩm tốt cho tim mạch như trái cây, cá hồi, dầu ô liu,…tuy nhiên có một loại thực phẩm mà ít người biết đó là nấm mèo. Tác dụng của nấm mèo vô cùng có lợi cho tim mạch.
Bình luận