Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ngoáy mũi thường xuyên tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể là nguyên nhân gây bệnh Alzheimer khi về già

(VOH) - Theo nghiên cứu của các chuyên gia Đại học Griffith (Úc), thói quen ngoáy mũi có thể gây ra bệnh Alzheimer - một bệnh lý về não tác động đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi.

Ngoáy mũi thường xuyên có thể là nguyên nhân gây bệnh Alzheimer

Một nghiên cứu được công bố bởi trường Đại học Griffith (Úc) đăng tải trên tạp chí Scientific Reports cho rằng, thói quen ngoáy mũi có thể gây nhiễm khuẩn dây thần kinh khứu giác, từ đó dẫn đến bệnh Alzheimer.

Theo nhóm nghiên cứu, việc ngoáy mũi và nhổ những sợi lông trên mũi không phải là một ý kiến ​​hay. Mọi người nên hạn chế làm điều đó. Nếu thường xuyên ngoáy mũi, nhổ lông mũi sẽ làm bong tróc lớp niêm mạc, tổn thương niêm mạc mũi, tăng lượng vi khuẩn có thể xâm nhập vào não.

Để giảm nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer giai đoạn muộn, các nhà nghiên cứu kiến nghị nên kiểm tra khứu giác cho những người từ 60 tuổi trở lên. Điều này có thể giúp chẩn đoán sớm sự phát triển của bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ.

ngoáy mũi
Ngoáy mũi thường xuyên có thể là nguyên nhân gây bệnh Alzheimer khi về già

Bệnh Alzheimer được coi là căn bệnh trầm trọng của não bộ, là nguyên nhân gây ra suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tư duy (suy nghĩ, giải quyết vấn đề đặt ra hợp lý) và các kỹ năng cuộc sống bình thường.

Bệnh Alzheimer là một trong những căn nguyên phổ biến gây chứng giảm trí nhớ ở người già, bệnh đặc trưng bởi sự mất dần các nơron thần kinh và synap trong vỏ não và một số vùng dưới vỏ. Bệnh có xu hướng nặng dần gây ảnh hưởng xấu tới các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, tới trí nhớ, hoạt động ngôn ngữ và tư duy của người bệnh.

Nghiên cứu của Đại học Griffith thực hiện trên chuột cho thấy, dây thần kinh khứu giác trong mũi cung cấp một đường dẫn ngắn đến não, một đường đi qua hàng rào máu não. Vi rút và vi khuẩn có thể sử dụng con đường này như một con đường trực tiếp đến não, có thể gây ra các bệnh lý giống như bệnh Alzheimer.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng Chlamydia pneumoniae (một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi) sử dụng dây thần kinh kéo dài giữa khoang mũi và não làm đường dẫn trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương.

Sau đó, các tế bào trong não phản ứng bằng cách tích tụ protein amyloid beta, là tiền chất quan trọng cho sự phát triển của bệnh Alzheimer. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng beta-amyloids hình thành bên ngoài não và sau đó được đẩy vào máu của cơ thể thông qua lipoprotein.

Con đường từ máu đến não này rất quan trọng bởi vì nếu chúng ta có thể quản lý nồng độ lipoprotein-amyloid trong máu và ngăn chặn sự rò rỉ của chúng vào não, điều này sẽ mở ra những phương pháp điều trị mới tiềm năng để ngăn ngừa bệnh Alzheimer và làm chậm quá trình mất trí nhớ, các nhà nghiên cứu lưu ý.

Nhóm nghiên cứu vẫn cần chứng minh thêm rằng con đường thông qua dây thần kinh khứu giác trong mũi và vào não này tồn tại ở người và có thể sẽ là nơi các vi rút và vi khuẩn sử dụng bất chính.

Xem thêm: Nghiên cứu mới: Xét nghiệm máu có thể phát hiện bệnh Alzheimer với độ chính xác đạt 88%

Bệnh Alzheimer là một bệnh lý về não tác động đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi. Đây không phải là bệnh lão khoa thông thường hoặc bệnh thần kinh. Bệnh có xu hướng nặng dần gây ảnh hưởng xấu tới các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, tới trí nhớ, hoạt động ngôn ngữ và tư duy của người bệnh.

Bệnh Alzheimer là bệnh tiến triển nặng dần và không có thuốc điều trị khỏi bệnh, mục tiêu điều trị là làm chậm quá trình tiến triển bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống, hạn chế các tác động tiêu cực của bệnh với cuộc sống.

Nhiều nguy cơ bệnh tật từ thói quen ngoáy mũi

Không chỉ có thể gây bệnh Alzheimer, ngoáy mũi thường xuyên tiềm ẩn mối nguy đối với người bị bệnh hoặc có hệ miễn dịch kém như gây nhiễm trùng, viêm loét, tổn thương khoang mũi, chảy máu cam…

* Nhiễm trùng: móng tay có thể để lại những vết cắt nhỏ trong mô mũi. Các vi khuẩn nguy hiểm có thể tìm đường xâm nhập vào các khe hở này và làm nhiễm trùng.

Một nghiên cứu được Đại học Cambridge công bố cho thấy, những người ngoáy mũi có nhiều khả năng mang vi khuẩn Staphylococcus aureus gây ra nhiều bệnh về nhiễm trùng.

* Làm lây lan bệnh tật: chất nhầy bắt bụi, vi khuẩn, virus và bụi bẩn mà bạn hít thở hàng ngày. Bạn có thể làm lây lan những vi trùng đó nếu bạn ngoáy mũi. Một nghiên cứu cho thấy những người ngoáy mũi có thể làm lây lan vi khuẩn gây ra bệnh viêm phổi.

* Tổn thương khoang mũi: ngoáy mũi thường xuyên hoặc lặp đi lặp lại có thể làm hỏng khoang mũi. Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Hô hấp châu Âu, cho thấy, những người ngoáy mũi lặp đi lặp lại nhiều lần có thể bị viêm và sưng tấy mô mũi. Theo thời gian, điều này có thể thu hẹp lỗ mũi.

* Gây hại cho vách ngăn mũi: vách ngăn là một phần xương và sụn phân chia lỗ mũi bên trái và bên phải. Thói quen xấu này có thể làm hỏng vách ngăn và thậm chí gây ra lỗ thủng.

* Chảy máu cam: gãi và ngoáy trong mũi có thể làm vỡ các mạch máu mỏng manh dẫn đến chảy máu.

* Các vết loét: viêm tiền đình mũi là tình trạng viêm ở phần mở và phía trước của khoang mũi. Nó thường do nhiễm vi khuẩn Staphylococcus nhẹ. Tình trạng này có thể gây ra các vết loét và đau. Tương tự như vậy, khi ngoáy mũi, bạn có thể nhổ lông mũi ra khỏi nang lông. Các mụn nhỏ hoặc bóng nước có thể hình thành trong các nang này.

Bình luận