Tiêu điểm: Nhân Humanity

Người bị bệnh mạn tính cần lưu ý gì khi ăn uống, tiệc tùng trong dịp Tết?

VOH - Với những người mắc các bệnh mãn tính như cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường bệnh mạch vành hay thận mạn…, việc cân bằng dinh dưỡng trong ăn uống đóng vai trò rất quan trọng.

Tuy nhiên, trong những ngày Tết, việc tham gia những bữa họp mặt, tiệc tùng với nhiều món ăn hấp dẫn khiến cho nhiều người khó duy trì chế độ ăn uống điều độ.

Tiến sĩ bác sĩ Lưu Ngân Tâm – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, với những người có bệnh lý nền đặc biệt và phải ăn nhạt, trong dịp Tết cần hạn chế ăn các món dưa muối, dưa cải… vì món này có hàm lượng muối rất nhiều.

Bánh chưng, bánh tét… sẽ có loại nhạt, loại mặn. Do đó, người mắc bệnh tim mạch, những bệnh lý mãn tính cũng nên ăn vừa phải để không bị tăng cân quá mức.

an-tiec-tat-nien-220125
Tham gia những bữa họp mặt, tiệc tùng khiến nhiều người khó duy trì chế độ ăn uống điều độ.

Bác sĩ Tâm phân tích: “Trong nhân của bánh tét, bánh chưng thường sẽ có nhiều thịt mỡ rất. Nếu ngày thường chúng ta ăn kiêng thì những ngày Tết ăn với hàm lượng tương đối vẫn được. Nhưng cần nhớ, nếu ăn liên tục 9 ngày sẽ ảnh hưởng đến vấn đề chuyển hóa mỡ, huyết áp của mình hoặc tăng trọng lượng cơ thể không mong muốn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Với những người bị đái tháo đường, phải kiểm soát lượng tinh bột, vì tinh bột nhiều thì đường máu sẽ tăng cao và nhóm thức ăn, thức uống có độ ngọt cao bắt buộc người mắc bệnh tháo đường không nên uống.

Bệnh nhân đái tháo đường vốn phải ăn uống kiêng khem nên vào dịp Tết cũng cần chú ý giảm ăn các món từ nếp, vì nếp chứa tinh bột đường nhiều hơn so với gạo, với cơm. Những món như giò, chả… hàm lượng muối cũng khá nhiều nên chỉ ăn chừng mực, món thịt kho tàu thì lựa phần thịt nạc mà ăn, hay trứng thì cũng có thể ăn một hai trứng…

Ngoài ra, cần nhớ uống thuốc đều đặn và không được bỏ bữa. Ví dụ như ở bệnh nhân tiểu đường thì phải uống thuốc hạ đường huyết. Nếu vì công việc hoặc phải di chuyển mà bệnh nhân quên uống thuốc hay bỏ bữa ăn thì sẽ có nguy cơ bị hạ đường, làm ảnh hưởng tới sức khỏe...

Bác sĩ Tâm chia sẻ thêm, vào những ngày Tết, người bệnh mạn tính nếu phải di chuyển nhiều thì cần mang kèm theo những thực phẩm bổ sung phù hợp cho bệnh lý, như sữa dành cho người bệnh tim mạch, sữa, bánh cho bệnh nhân đái tháo đường hoặc thực phẩm nấu đem theo để trong hộp.

Tuy nhiên, nếu bảo quản ở nhiệt độ bình thường thì không nên để quá 2 tiếng vì nếu để quá 2 tiếng thực phẩm rất dễ bị hư, vô tình người bệnh ăn sẽ bị ngộ độc.

Khi ăn uống, người có bệnh lý tim mạch, bệnh lý mãn tính cần ăn chừng mực, ưu tiên ăn rau tươi. Người tiểu đường nên ăn rau trước rồi sau đó mới ăn bánh chưng, bánh tét hoặc những cái món có nhiều cholesterol... 

Bình luận