Tiêu điểm: Nhân Humanity

Người cao tuổi cần làm gì để chống Covid-19?

(VOH) - Người cao tuổi là đối tượng dễ bị tấn công và “gục ngã” khi mắc phải bệnh COVID-19 do hệ miễn dịch của họ đã suy yếu, và đa số người cao tuổi mắc các bệnh lý mạn tính kèm theo. 

Tuổi già không hẳn sức yếu, điều quan trọng là cần tuân thủ hướng dẫn phòng bệnh, áp dụng chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý, đảm bảo giấc ngủ ngon, tinh thần lạc quan cùng lối sống lành mạnh sẽ tránh được bệnh.

Bộ Y tế hướng dẫn cách giảm nguy cơ lây nhiễm virus là vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên với xà phòng, nhất là trước khi ăn, sau khi ra khỏi nhà hay tiếp xúc với nhiều người, tránh sờ tay chưa được rửa sạch lên vùng mặt, mắt, mũi, miệng vì sẽ khiến virus có cơ hội xâm nhập vào cơ thể.

covid-19, virus corona

Ảnh minh họa: Suckhoegiadinh

Người thân trong gia đình cũng phải làm theo các hướng dẫn trên để vừa bảo vệ bản thân mình, vừa bảo vệ cha mẹ cao tuổi.

Ăn đủ chất, uống đủ nước: Người cao tuổi cũng rất cần ăn đủ chất, uống đủ nước, đôi khi chế độ ăn kiêng quá ngặt nghèo cũng làm cho cơ thể thiếu chất, gây suy yếu hệ miễn dịch. Cảm giác khát của người cao tuổi gần như không có, do đó người cao tuổi cần chủ động cung cấp đủ nước cho cơ thể hàng ngày, ít nhất 1,5-2l, không nên uống nhiều nước vào buổi tối trước khi đi ngủ. Điều đầu tiên, người cao tuổi cần phải nâng cao thể trạng, bao gồm điều trị đúng, đủ và hiệu quả các bệnh lý nền đang mắc, ví dụ kiểm soát tốt huyết áp, đường máu, duy trì ổn định bệnh lý tim mạch... 

Nên đảm bảo ăn 3-4 bữa mỗi ngày, ăn nóng, thức ăn nên luộc, hấp nấu chín mềm. Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1-2 cốc mỗi ngày,

Trong đó, cần lưu ý nên bổ sung các loại thực phẩm: chất béo lành mạnh, chất béo tốt cho sức khỏe như các loại hạt, quả bơ, cá béo và dầu thực vật..., đặc biệt là dầu ôliu. Cần hạn chế tối đa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa; các loại ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì nguyên hạt...) rất giàu chất dinh dưỡng giúp hỗ trợ tiêu hóa và tốt cho tim.

Hạn chế ra ngoài: Người cao tuổi cũng nên hạn chế đi ra ngoài khi thời tiết quá khắc nghiệt (quá lạnh hoặc quá nóng), khi thời tiết thay đổi, khi có dịch bệnh đang lưu hành, đặc biệt là những người có thể trạng yếu, có nhiều bệnh lý nền hoặc có bệnh lý nền chưa được điều trị ổn định.

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang có xu hướng lan rộng, người cao tuổi nên hạn chế ra ngoài, đến các nơi công cộng có tập trung đông người. Trong trường hợp có vấn đề về sức khoẻ, nếu nhẹ có thể tự chăm sóc tại nhà dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế xã, phường, trường hợp thực sự cần thiết mới nên tới các cơ sở y tế ví dụ như các trường hợp cấp cứu, bệnh nặng cần theo dõi và điều trị.

Môi trường sống cần thông thoáng: Môi trường sinh hoạt của người cao tuổi nên được thông thoáng, không khí nên được trao đổi, thường xuyên mở cửa sổ tuy nhiên cũng cần tránh gió lùa trực tiếp.

Tránh tập trung đông người, cần giữ vệ sinh chung: Nếu có việc cần thiết phải ra ngoài, người cao tuổi nên tránh nơi tập trung đông người ở không gian hẹp, nên sử dụng khẩu trang, giấy khô đề phòng ho, khạc, nước sát khuẩn nhanh để vệ sinh tay thường xuyên.

Các cơ sở khám chữa bệnh cũng nên cân nhắc việc thực hiện cấp thuốc điều trị các bệnh lý mạn tính tối thiểu 2 tháng/ 1lần, điều này giúp giảm tải cho các cơ sở y tế, và cũng tạo điều kiện cho người cao tuổi không phải đi lại nhiều, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.

Ngoài ra, người cao tuổi nên chú ý đến giấc ngủ. Mỗi đêm, người cao tuổi cần ngủ 7-8 tiếng. Người cao tuổi thường dậy sớm nên thời điểm đi ngủ tốt nhất là khoảng 21 - 22h, giấc ngủ muộn sẽ không đủ thời gian cho cơ thể hồi phục. Phòng ngủ nên yên tĩnh, tắt đèn hoặc ánh sáng nhẹ. Nhiệt độ phòng khoảng 26 - 27 độ C và thoáng khí. Người cao tuổi nên thư giãn nhẹ nhàng, tránh nghĩ đến chuyện phiền muộn để giấc ngủ ngon hơn. Trước khi ngủ 1-2 tiếng không nên ăn no, có thể uống một ly sữa ấm giúp giấc ngủ sâu hơn.

Vận động thường xuyên cũng là cách rất tốt để tăng sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật.

Người lớn tuổi thường hay bị mệt mỏi khiến ngại vận động. Đây là dấu hiệu bình thường khi cơ thể đã bước vào giai đoạn lão hoá. Để năng vận động, đôi khi cần có sự hỗ trợ, động viên từ người bạn đời, bạn bè hoặc từ con cháu. Hai hay nhiều người cùng tập luyện sẽ có thêm động lực và niềm vui. Ngoài tập dưỡng sinh, đi bộ, bậc cao niên có thể tập các môn có cường độ thể lực trung bình thấp như đạp xe, chạy bộ, đánh cầu lông, bơi lội... một cách nhẹ nhàng. Quan trọng là phải lượng sức mình mà luyện tập và không thể sánh với thanh niên được.

Mỗi ngày, người cao tuổi nên vận động cơ thể nhẹ nhàng 30 - 45 phút sẽ giúp cơ thể giải phóng năng lượng, xương khớp chắc khoẻ, dẻo dai, góp phần cải thiện hệ thống miễn dịch cho cơ thể.

TPHCM: Nghiên cứu quy chế xử phạt với người không đeo khẩu trang nơi công cộng - Chiều 23/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.

Dự phòng và xử trí COVID-19 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh như thế nào?  -  Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký Quyết định số 1271/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời Dự phòng và xử trí bệnh COVID-19 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.

Bình luận