Tiêu điểm: Nhân Humanity

Người dân khai báo y tế đầy đủ, khám kiểm tra sức khỏe ngay khi có triệu chứng nghi ngờ

(VOH) - Chiều 12/6, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM và các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương về tình hình phòng chống dịch COVID-19.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh đã báo cáo tình hình diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn TP từ ngày 18/5 đến 13h00 ngày 13/6, TP có 960 trường hợp mắc bệnh được công bố, trong đó có 717 người bị nhiễm trong cộng đồng, 239 ca nhập cảnh.

Phó thủ tướng
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM và các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương về tình hình phòng chống dịch Covid-19 vào chiều 12/6.

Từ ngày 3/6, thành phố tiến hành tiêm chủng đợt 3 với 71.900 liều văc-xin, dự kiến hoàn tất vào ngày 15/8 theo yêu cầu của Bộ Y tế, trong tình hình hiện nay thành phố tăng cường năng lực xét nghiệm và điều trị.

Về ổ dịch liên quan đến nhóm truyền giáo Hội thánh Phục hưng, từ ngày 26/5 đến nay ghi nhận 463 trường hợp dương tính. Cơ bản các nhánh lây nhiễm đang được kiểm soát, phong tỏa, ít có nguy cơ lây ra cộng đồng.

Ngoài chuỗi lây nhiễm trên, TPHCM còn ghi nhận 101 bệnh nhân COVID-19 qua khám sàng lọc tại các bệnh viện, phòng khám. Từ các ca bệnh này, qua điều tra truy vết phát hiện ra nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng: Ổ dịch tại Xưởng cơ khí Hóc Môn; ổ dịch chung cư Ehome, quận Bình Tân; ổ dịch tại đường số 11, phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức; ổ dịch tại ấp Tân Thới 2, Tân Hiệp, Hóc Môn; ổ dịch trong công ty Quận 3; ổ dịch tại quán Bánh Canh ở Quận 3.

Đáng chú ý, cũng đã có một số trường hợp nhân viên y tế mắc COVID-19. Cụ thể, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, ngày 11/6 phát hiện 1 trường hợp, sống ở Hóc Môn tiếp xúc với người nhà mắc bệnh. Và trong chiều 12/6, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng phát hiện những ca nghi nhiễm COVID-19.

Về nguồn gốc của những ổ dịch này, theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, có thể do dịch bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng từ trước, hoặc là người đã tiếp xúc các ca bệnh, đi qua các vùng dịch tễ nhưng không khai báo đầy đủ.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định, những ngày đầu dịch bùng phát mạnh, tuy nhiên, sau hơn 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội, những ca mới được phát hiện chủ yếu là trong khu cách ly hoặc trong khu phong tỏa. Dự đoán trong 10 ngày tới có thể tiếp tục phát hiện thêm các ca bệnh mới, rải rác  từ những ổ dịch đã được kiểm soát.

Với các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương và Long An, mặc dù tiềm ẩn nguy cơ cao do giáp ranh với TPHCM, nhưng hiện các địa phương đều cơ bản kiểm soát được tình hình.

Các tỉnh kiến nghị được ưu tiên cấp vaccine phòng COVID-19 tiêm cho người lao động tại các khu công nghiệp; kiến nghị Bộ Y tế kịp thời hướng dẫn cụ thể hơn về thời gian cách ly; thống nhất thiết lập các đường dây nóng để kịp thời phối hợp trong phòng, chống dịch, đảm bảo hiệu quả và ổn định sản xuất.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, TPHCM cần tận dụng những ngày áp dụng giãn cách để yêu cầu người dân khai báo y tế đầy đủ, khám kiểm tra sức khỏe ngay khi có triệu chứng nghi ngờ, sau giãn cách sẽ đánh giá lại tổng thể để có biện pháp chống dịch giai đoạn mới, đồng thời phải có sự phối hợp giữa các tỉnh lân cận tránh lây lan diện rộng.

Với các tỉnh lân cận, Phó Thủ tướng cho rằng tuy chưa có phát sinh điểm nóng, chưa để dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng nhưng đều tiếp giáp với TPHCM và là các trung tâm sản xuất nên dứt khoát không được lơ là trong phòng, chống dịch.

Các tỉnh cần tiếp tục có các biện pháp quyết liệt đảm bảo an toàn trong các nhà máy, các khu công nghiệp, nhất là các nhà máy sản xuất khép kín. Các địa phương phải kiểm soát nghiêm việc tuân thủ quy định phòng dịch tại các cơ sở sản xuất, xử lý nghiêm, dừng sản xuất ngay những đơn vị không tuân thủ.

Theo Phó Thủ tướng, dịch bệnh hiện vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ trong phòng, chống; lập các kênh kết nối để phản ứng kịp thời khi có những ổ dịch mới, liên quan đến nhiều địa phương và nhất là cùng phối hợp để không gây ách tắc trong lưu thông hàng hóa và đi lại giữa các địa phương, đảm bảo ổn định sản xuất trên địa bàn.

Phó Thủ tướng tin tưởng, tại TPHCM, mặc dù số ca bệnh chưa giảm ngay nhưng nếu tiếp tục quyết liệt các biện pháp tổng thể như hiện nay, Thành phố sẽ kiểm soát được dịch trong thời gian tới.

Bình luận