Người phụ nữ sốc phản vệ vì bị ong khoái đốt

QUẢNG NINH - Dù mới đầu mùa hè nhưng bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã tiếp nhận nhiều ca bị ong và côn trùng đốt.

Nhiều người có tiền sử dị ứng với nọc ong hoặc có tiền sử phản vệ gặp những triệu chứng như ban đỏ toàn thân, sốt hoặc nặng hơn là suy hô hấp, co giật, ảnh hưởng đến tính mạng.

Gần đây nhất là bệnh nhân L.T.V. (40 tuổi, ở Bắc Sơn, Uông Bí) bị khoảng 10 con ong khoái đốt vào vùng đầu, mặt và cánh tay trong lúc làm rẫy. Bệnh nhân ban sẩn đỏ toàn thân và nhập viện khoảng 1 tiếng sau đó với chẩn đoán phản vệ độ I.

Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành điều trị theo phác đồ cho bệnh nhân. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định và đã được xuất viện.

ong-dot-220425
Người phụ nữ sốc phản vệ vì bị ong khoái đốt

Theo bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, phần lớn các trường hợp khi bị ong đốt với số lượng nốt đốt ít, loài ong ít độc tính hơn như ong mật, ong vàng thì ở mức độ dị ứng, sưng tấy nhẹ.

Tuy nhiên, nếu bị nhiều vết đốt và do những loài ong độc như ong đất, ong vò vẽ, ong bắp cày hoặc cơ thể có tiền sử dị ứng thì có nguy cơ phản vệ, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.

Bệnh viện khuyến cáo người dân, nếu không may bị ong đốt nên rửa vết đốt bằng nước sạch, dung dịch sát trùng povidine 10% hoặc cồn 70 độ.

Tuyệt đối không bôi các chất hay thuốc gì vào vết đối tránh nhiễm trùng. Đến cơ sở y tế ngay nếu có các biểu hiện khó chịu, đau nhức nhiều, nổi mẩn đỏ…

Ong khoái là một loài ong mật phân bố ở miền Nam và Đông Nam Á. Chúng là một trong những loài ong độc và khá nguy hiểm. Nếu bị ong khoái đốt với lượng lớn mà không cứu chữa kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do suy gan, suy thận cấp và nhiễm trùng máu.

Ong khoái thường làm tổ ở trên cao, có những tổ ong cao đến năm bảy chục mét. Loài ong này thường ở sâu trong rừng và đi lấy phấn hoa rất xa. Có những tổ, ong thợ đi hàng chục km để tìm phấn của những loài hoa quý.

Bình luận