Tiêu điểm: Nhân Humanity

Người thừa cân có nguy cơ tự tử thấp hơn

HÀN QUỐC - Theo một nghiên cứu mới tại Hàn Quốc, người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ tự tử thấp hơn so với những người có cân nặng trung bình hoặc gầy.

Nghiên cứu được công bố ngày 13/01 trong ấn bản tháng 1 của tạp chí BMC Psychiatry.

Các nhà nghiên cứu từ Khoa Nội tiết và Chuyển hóa tại Bệnh viện Seoul St. Mary, Đại học Công giáo Hàn Quốc, đã phân tích dữ liệu của 4,04 triệu người trưởng thành từ năm 2009 đến 2021, sử dụng cơ sở dữ liệu của Dịch vụ Bảo hiểm Y tế Quốc gia (NHIS).

Họ đã tiến hành phân tích các đối tượng dựa trên chỉ số khối cơ thể (BMI), hồ sơ bệnh lý tâm thần và bệnh mãn tính, cũng như các yếu tố khác như độ tuổi, giới tính và tình trạng thể chất.

beo phi it tu tu (1)

Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ tự tử thấp hơn so với những người có cân nặng trung bình hoặc gầy. - Ảnh: The Korea Herald.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nguy cơ tự tử ở những người có BMI từ 23 đến 25 thấp hơn 21% so với những người có BMI từ 18,5 đến 22,9. Theo tiêu chuẩn Hàn Quốc, BMI từ 23 đến 25 được coi là thừa cân.

Những người có chỉ số BMI cao hơn thậm chí còn ít có nguy cơ tự tử hơn. Nguy cơ tự tử ở những người béo phì cấp độ 1, với BMI từ 25 đến 29,9, thấp hơn 24% so với nhóm BMI từ 18,5 đến 22,9. Đối với những người béo phì cấp độ 2, với BMI từ 30 trở lên, nguy cơ này giảm 29%.

Chỉ số BMI từ 18,5 đến 22,9 được coi là mức cân nặng lành mạnh tại Hàn Quốc, khác biệt so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nơi phân loại BMI từ 18,5 đến 24,9 là cân nặng bình thường, từ 25 đến 29,9 là thừa cân và từ 30 trở lên là béo phì.

Ngược lại, những người nhẹ cân, với BMI dưới 18,5, lại có nguy cơ tự tử cao hơn, với mức tăng 44% so với nhóm có BMI trong khoảng lành mạnh.

Nghiên cứu nhấn mạnh rằng, mối quan hệ giữa cân nặng và nguy cơ tự tử "đều nhất quán” bất kể người tham gia có mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng hay hoàn cảnh sống như thế nào.

Một trong những yếu tố có thể giải thích hiện tượng này là tình trạng kháng leptin do béo phì gây ra. có thể làm giảm sự bốc đồng.

Các nhà nghiên cứu cho biết, leptin, một hormone được tạo ra bởi mô mỡ, có chức năng gửi tín hiệu đến não để điều chỉnh cảm giác đói và cân bằng năng lượng. Tuy nhiên, béo phì có thể khiến não ít phản ứng hơn với leptin, dẫn đến tác động này.

Tình trạng kháng leptin không chỉ dẫn đến giảm sự bốc đồng mà còn có thể gây ăn uống quá mức và tăng cân.

Nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của các yếu tố sinh lý liên quan đến khối lượng cơ thể trong việc hiểu rõ nguy cơ tự tử. Thêm vào đó, những dữ liệu này cung cấp thông tin giá trị về nơi nên đầu tư các nguồn lực y tế công cộng để giảm tỷ lệ tử vong do tự tử.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng lưu ý rằng, mối quan hệ giữa chỉ số BMI và nguy cơ tử vong do tự tử còn phức tạp và cần được nghiên cứu thêm.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới, với 24,1 trường hợp tự tử trên 100.000 dân vào năm 2020, cao nhất trong các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, số ca tự tử đã tăng từ 13.195 người năm 2020 lên 13.987 người năm 2023. Hội Phòng chống Tự tử Hàn Quốc (KFSP) dự đoán rằng, số trường hợp tự tử trong năm 2024 có thể vượt mức kỷ lục 15.906 của năm 2011.

Bình luận