Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nguyên nhân khiến bệnh tim mạch ở phụ nữ cao hơn nam giới

(VOH) - Theo thống kê, phụ nữ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn tỷ lệ tử vong do ung thư. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều chị em ít quan tâm đến việc phòng bệnh tim mạch hơn là ung thư.

1. Vì sao phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch?

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Chủ tịch Hội nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM) cho biết, phụ nữ trẻ tuổi ít mắc bệnh tim mạch hơn nam giới, tuy nhiên khi phụ nữ bước qua tuổi 40, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch sẽ tăng cao và sau 65 tuổi tỷ lệ này càng tăng cao hơn so với nam giới. Nguyên nhân là do:

nguyen-nhan-khien-benh-tim-mach-o-phu-nu-cao-hon-nam-gioi-voh-1

Phụ nữ trung niên dễ mắc bệnh tim mạch (Nguồn: Internet)

1.1 Nội tiết tố suy giảm

Khi phụ nữ bước vào độ tuổi trung niên, trục hạ đồi tuyến yên và buồng trứng suy yếu, nội tiết tố giảm, đưa đến nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có bệnh tim mạch. 

Nội tiết tố nữ chủ yếu là estrogen, nó giúp mạch máu mềm mại, máu lưu thông dễ dàng nên tránh được tình trạng cao huyết áp. Tuy nhiên, khi bắt đầu tuổi trung niên, estrogen suy giảm, làm cho mạch máu không giãn nở tốt, tăng độ nhớt của máu, máu dễ đóng cục, từ đó dễ gây tắc nghẽn ở động mạch, tĩnh mạch. Điều này khiến cho phụ nữ trung niên có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch hơn.

1.2 Cao huyết áp

Phụ nữ trước 30 tuổi thường có huyết áp ổn định, tuy nhiên, sau 40 tuổi, huyết áp cao có xu hướng tăng. Cao huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ cao có thể dẫn đến bệnh tim mạch.

1.3 Giãn tĩnh mạch chi dưới

Phụ nữ dễ bị giãn tĩnh mạch chi dưới trong những lần mang thai. Khi mang thai tử cung đè lên tĩnh mạch trong khung chậu, máu ở chân không về được tốt nên thường đọng lại dưới chân. Đây cũng chính là lý do khiến phụ nữ dễ bị bệnh tim mạch hơn nam giới. 

1.4 Do triệu chứng mãn kinh

Phụ nữ mãn kinh thường gặp phải những triệu chứng như:

  • Mặt nóng, đỏ bừng bừng;
  • Vã mồ hôi;
  • Mất ngủ;
  • Rối loạn kinh nguyệt;
  • Bực tức, hay cáu gắt, khó chịu;
  • Dễ bị nhiễm trùng tiểu, són tiểu;
  • Ngực teo, bụng và mông to ra…

Những triệu chứng này nếu không can thiệp khắc phục sớm thì lâu dần sẽ gây nên những bệnh lý như loãng xương, thoái hóa khớp, bệnh tim mạch hay sa sút trí tuệ,…

Như vậy, phụ nữ tuổi càng cao càng có nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bác sĩ Phượng cho biết, theo thống kê, số phụ nữ chết vì ung thư ít hơn phụ nữ chết vì bệnh tim mạch. Do đó, phụ nữ cần nâng cao ý thức trong việc phòng chống các bệnh lý tim mạch.

2. Cách phòng bệnh tim mạch cho phụ nữ

Theo bác sĩ Phượng, phụ nữ muốn phòng bệnh tim mạch cần chú ý những vấn đề sau đây:

nguyen-nhan-khien-benh-tim-mach-o-phu-nu-cao-hon-nam-gioi-voh-2

Sống lành mạnh và khoa học để bảo vệ sức khỏe tim mạch (Nguồn: Internet)

  • Giữ cân nặng ở mức cân đối, tránh béo phì.
  • Thường xuyên vận động, tập luyện để cân bằng thể chất và tinh thần.
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng tốt bằng cách ăn nhiều rau, trái cây, giảm những thực phẩm chứa nhiều cholesterol xấu và chất đường bột. 
  • Hạn chế ăn mặn để giảm nguy cơ cao huyết áp.
  • Tránh xa những người hút thuốc lá.
  • Tránh buồn rầu, lo lắng thái quá.
  • Duy trì mức nội tiết tố tối thiểu, thường xuyên bổ sung nội tiết tố bằng các thực phẩm tự nhiên như đậu hũ, đậu nành, các loại khoai hay thảo dược,…

Nhìn chung, phụ nữ càng lớn tuổi càng có nguy cơ cao đối mặt với bệnh tim mạch nhiều hơn nam giới. Vì vậy, hãy nâng cao ý thức trong việc phòng ngừa bệnh tim mạch để tránh nguy hiểm cho tính mạng. 

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng tại audio bên dưới:

Bình luận