Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nhịn ăn gián đoạn có nguy cơ gây tử vong cao do bệnh tim mạch

VOH - Theo một nghiên cứu mới, xu hướng ăn kiêng “nhịn ăn gián đoạn” có liên quan đến nguy cơ tử vong do tim mạch cao hơn đáng kể.

Trong một nghiên cứu do Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) công bố, một nhóm gồm 20.000 người trưởng thành tuân theo lịch trình ăn uống hạn chế trong 8 giờ (phương pháp ăn uống theo khung giờ cố định, trong đó người ăn kiêng ăn trong vòng 8 giờ và nhịn ăn hoàn toàn 16 giờ tiếp theo) được phát hiện có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn 91%.

nhịn ăn
Nhịn ăn gián đoạn có nguy cơ gây tử vong cao do bệnh tim mạch - Ảnh: stock.adobe.com

Những phát hiện này đã được trình bày tại Phiên họp khoa học về Phòng ngừa và Dịch tễ học của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ│Lối sống và Chuyển hóa tim mạch vào tuần trước tại Chicago.

Nhịn ăn gián đoạn là gì?

Có một số kiểu nhịn ăn gián đoạn - nhưng tất cả đều tuân theo cùng một khái niệm là xen kẽ giữa nhịn ăn và ăn uống. Với phương pháp giới hạn thời gian, người ăn kiêng chỉ ăn trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày hoặc trong tuần. 

Ví dụ: với phương pháp 16/8, người đó nhịn ăn trong 16 giờ và sau đó có thể ăn trong khoảng thời gian 8 giờ, từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Một số người khác chọn chế độ nhịn ăn trọn 24 giờ một hoặc hai lần mỗi tuần - hoặc chỉ tiêu thụ lượng calo hạn chế vào những ngày nhịn ăn.

Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng, việc ăn uống hạn chế thời gian có thể cải thiện sức khỏe tim mạch, bao gồm huyết áp, đường huyết và mức cholesterol, AHA lưu ý trong một thông cáo báo chí.

Xem thêm: Tại sao chế độ ăn kiêng của bạn không hiệu quả?

Tác giả nghiên cứu cấp cao Victor Wenze Zhong, Giáo sư, Tiến sĩ khoa dịch tễ học và thống kê sinh học tại Trường Y, Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc cho biết: “Hạn chế thời gian ăn hàng ngày trong một khoảng thời gian ngắn, chẳng hạn như 8 giờ mỗi ngày đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây như một cách để giảm cân và cải thiện sức khỏe tim mạch”.

“Tuy nhiên, những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của việc nhịn ăn gián đoạn, bao gồm nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào hoặc bệnh tim mạch, vẫn chưa được biết rõ” - Giáo sư Zhong nhấn mạnh.

Chi tiết nghiên cứu

Các nhà nghiên cứu từ Trường Y thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải đã phân tích thông tin từ Khảo sát Kiểm tra Dinh dưỡng và Sức khỏe Quốc gia hàng năm 2003-2018 (NHANES).

Họ so sánh nguyên nhân tử vong được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ghi lại từ năm 2003 đến tháng 12/2019. Theo đó, các nhà nghiên cứu theo dõi những người tham gia trong thời gian trung bình là 8 năm, một số người được theo dõi tới 17 năm. Độ tuổi trung bình của những người tham gia là 49. 

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, người ăn tất cả các bữa ăn thường ngày trong khoảng thời gian dưới 8 giờ có nguy cơ tử vong do tim mạch cao nhất (91%), tiếp theo là những người ăn trong khoảng thời gian từ 8 đến 10 giờ (nguy cơ 66%).

Nguy cơ tử vong liên quan đến tim cao hơn cũng được thấy ở những người đã mắc bệnh tim hoặc ung thư.

“Mặc dù kiểu ăn kiêng này rất phổ biến do những lợi ích ngắn hạn, nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rõ ràng rằng, so với khoảng thời gian ăn uống thông thường từ 12 đến 16 giờ mỗi ngày, thời gian ăn ngắn hơn không liên quan đến việc sống lâu hơn”, Giáo sư Zhong cho biết trong thông cáo báo chí.

Tanya Freirich, một chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký ở Bắc Carolina, đồng thời là Chuyên gia dinh dưỡng Lupus cho biết, nghiên cứu này là một “bổ sung rất quan trọng” cho dữ liệu hiện tại về việc ăn theo chế độ nhịn ăn gián đoạn. 

“Trước đây, việc nhịn ăn gián đoạn được cho là mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, nghiên cứu này là bằng chứng hoàn hảo cho thấy nhịn nhiều hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn” – cô Freirich, người không tham gia vào nghiên cứu nói với Fox News Digital. 

Theo cô Freirich, nghiên cứu củng cố tầm quan trọng của việc ai đó phải nhận được lời khuyên về dinh dưỡng cá nhân khi lựa chọn chế độ ăn kiêng.

Cô cảnh báo: “Đối với những người đang dùng một số loại thuốc hoặc những người gặp khó khăn trong việc duy trì lượng đường trong máu, huyết áp hoặc lượng nước ổn định, việc nhịn ăn gián đoạn có thể quá khó để duy trì và gây bất lợi cho sức khỏe của họ”.

Dựa trên nghiên cứu mới này, Freirich khuyên những người ăn theo chế độ 'nhịn ăn gián đoạn' nên đi khám bác sĩ và đánh giá lại sức khỏe tim mạch của họ.

Bình luận