Nhiễm độc thạch tín do thói quen sinh hoạt hằng ngày
Ngày 1/3, Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân N.Đ.T (64 tuổi) nhập viện với chẩn đoán ung thư tế bào gai – vảy nến.
Qua thăm khám, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân có các dấu hiệu của nhiễm độc asen mạn tính, rất có thể nguyên nhân xuất phát từ thói quen sử dụng nước giếng khoan và uống thuốc không rõ nguồn gốc trong nhiều năm.
Nhiễm độc asen mạn tính có thể tích tụ ở răng, móng, tóc, da nhiều năm mà người dân không hề hay biết. Tiếp xúc lâu dài với asen có thể gây ung thư da và các tổn thương da.
Nếu gặp bất kỳ triệu chứng như nốt sần ở lòng bàn tay bàn chân, da thô ráp, thay đổi sắc tố da... kèm theo thói quen sử dụng nước giếng khoan, uống thuốc không rõ nguồn gốc nhiều năm, người dân cần gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhất để tránh tiến triển thành ung thư da.
Ra mắt 'Sổ tay kiến thức về HIV kháng thuốc'
Ngày 1/3, tại Hà Nội, 'Sổ tay kiến thức về HIV kháng thuốc' - sản phẩm từ Dự án 'Thiết lập hệ thống phản hồi thông tin từ phòng xét nghiệm tới người bệnh vì một chương trình thuốc kháng vi rút (ARV) bền vững và ngăn ngừa nhiễm HIV mới tại Việt Nam' đã được ra mắt.
"Sổ tay kiến thức về HIV kháng thuốc” bắt nguồn từ các nghiên cứu và đào tạo về vi-rút kháng thuốc khi điều trị HIV - nội dung chính của Dự án đã thực hiện 5 năm qua tại do JICA và các đối tác Việt Nam phối hợp.
Cuốn sổ tay được xuất bản 1.000 bản và gửi đến các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên toàn quốc, với kỳ vọng sẽ giúp các chuyên gia y tế tại Việt Nam có được những kiến thức và kỹ năng thực hành lâm sàng cần thiết, góp phần ngăn chặn sự xuất hiện và lây truyền HIV kháng thuốc.
Hiện nay tại Việt Nam chưa có hướng dẫn cụ thể về virus kháng thuốc HIV, và cuốn sổ tay được kỳ vọng sẽ là nền tảng cơ sở cho hướng dẫn này trong tương lai.
Vòng 3 chảy mủ sau tiêm filler
Ngày 1/3, ThS.BS Tạ Thị Hà Phương - Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, các bác sĩ vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ (37 tuổi) bị áp xe sau khi tiêm filler (chất làm đầy) vào mông. Trước đó, bệnh nhân có tiêm filler để nâng cấp vòng 3 tại một cơ sở của người quen, không rõ được tiêm loại thuốc gì.
Sau tiêm 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện khối sưng, nóng, đỏ, đau vùng mông, kèm các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt. Bệnh nhân tự sử dụng thuốc kháng sinh và hạ sốt tại nhà nhưng các triệu chứng không thuyên giảm. Sau khi xuất hiện các biểu hiện chảy dịch, chảy mủ thì bệnh nhân mới đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler. Nguyên nhân do kỹ thuật không bảo đảm vô trùng và sử dụng các sản phẩm filler không an toàn của những người không có chuyên môn.
Để điều trị ca bệnh này, bác sĩ đã phẫu thuật chích rạch áp xe, điều trị kháng sinh toàn và chăm sóc tại chỗ cùng hỗ trợ tâm lý cho người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể gặp những di chứng về thể chất hoặc tinh thần.
Nam thanh niên 17 tuổi nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn thành phố Biên Hòa vừa ghi nhận thêm một ca nghi mắc đậu mùa khỉ.
Bệnh nhân P.T.N. (17 tuổi) là công nhân. Có địa chỉ thường trú là ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), tạm trú tại khu phố 2, phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa.
Qua điều tra dịch tễ, tình hình sức khỏe bệnh nhân ổn, tiếp xúc tốt. Trên người xuất hiện nhiều các nốt mụn, mủ từ 0,5-1cm, phân bố ở trên mặt, miệng, lòng bàn chân và dày đặc ở khu vực lưng, cơ quan sinh dục, hậu môn của bệnh nhân.
Ngành Y tế đã hướng dẫn bệnh nhân thực hiện cách ly tại nhà, xử lý môi trường xung quanh nhà bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân khử trùng quần áo, chăn màn, vật dụng cá nhân… nếu có triệu chứng bất thường phải báo ngay cho Trạm Y tế phường Long Bình Tân để được hướng dẫn kịp thời. Tăng cường công tác truyền thông trên đại chúng về nguy cơ, các biện pháp phòng tránh dịch bệnh đậu mùa khỉ cho người dân, kêu gọi những người có tiếp xúc tình dục với bệnh nhân trong vòng 1 tháng trở lại đây nên đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám sàng lọc sức khỏe, để phát hiện sớm và điều trị.
Đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 4 ca, trong đó thành phố Biên Hòa 3 ca.
Ấn Độ phát triển thuốc điều trị ung thư giá rẻ
Viện TATA ở Mumbai (Ấn Độ) sắp ra mắt loại thuốc có thể ngăn ngừa sự tái phát của bệnh ung thư và giảm 50% tác dụng phụ của việc điều trị. Viên thuốc này chỉ có giá chỉ 1,2 USD (30 nghìn đồng).
Tờ Economic Times vừa cho biết, loại thuốc mới điều trị bệnh ung thư của Viện TATA có tên gọi R+Cu, ra đời sau một thập kỷ nghiên cứu. Thuốc chứa các chất chống ô xy hóa như resveratrol và đồng, có thể tạo ra gốc ô xy chống ung thư.
Thuốc có công dụng ngăn chặn tế bào chết vốn biến các tế bào khỏe mạnh thành ung thư; đồng thời hạn chế sự di chuyển của các tế bào ung thư từ bộ phận này sang bộ phận khác của cơ thể (di căn).
Các nhà nghiên cứu cho biết thuốc R+Cu có thể có hiệu quả trong điều trị ung thư tuyến tụy, phổi và vòm họng.