Phát hiện mới về bệnh động mạch ngoại biên: Nguy cơ tử vong lên tới 50%

MỸ - Một nghiên cứu mới công bố cho thấy, bệnh động mạch ngoại biên nguy hiểm và phổ biến hơn nhiều so với các nhận định trước đây, với nguy cơ cao gây hoại tử hoặc phải cắt cụt chi.

Kết quả nghiên cứu đã được trình bày ngày 30/03 tại Hội nghị thường niên của Học viện Tim mạch Hoa Kỳ (ACC) tổ chức tại Chicago.

Phó giáo sư Viet T. Le, chuyên gia tim mạch tại hệ thống y tế Intermountain Health và tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, tỷ lệ người mắc bệnh động mạch ngoại biên (PAD) không được điều trị là rất cao, đồng thời tỉ lệ tử vong trong nhóm này cũng đáng báo động.

Ông Le nhấn mạnh, đây là cơ hội để ngành y tế cải thiện quy trình sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị PAD, đặc biệt đối với bệnh nhân nữ.

PAD

Kiểm tra chỉ số mắt cá chân-cánh tay (ABI) của bệnh nhân bị thiếu máu cục bộ ở chân. - Ảnh: stock.adobe.com.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 7.522 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh PAD có triệu chứng, trong đó 62% là nam giới và 38% là phụ nữ.

Tuy nhiên, kết quả cho thấy chỉ 29,6% phụ nữ và 33,5% nam giới thực sự được tiếp cận với phác đồ điều trị phù hợp.

Dù nữ giới ít có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc phải cắt cụt chi hơn so với nam giới, cả hai nhóm đều phải đối mặt với nguy cơ tử vong lên tới 50%.

Theo Phó giáo sư Le, mỗi bệnh nhân trong nhóm này lẽ ra đều được điều trị bằng thuốc kháng tiểu cầu và statin, nhưng thực tế chỉ khoảng 1/3 nhận được điều trị đúng mức. Điều này cho thấy rõ sự cần thiết trong việc cải thiện quy trình phát hiện và điều trị bệnh PAD.

Ông Le cho rằng, một phần nguyên nhân nằm ở sự khó khăn trong việc phát hiện và điều trị PAD, vốn phức tạp hơn so với các bệnh tim mạch thông thường, chứ không phải vì sự thờ ơ của hệ thống y tế.

Phát hiện này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm của căn bệnh âm thầm nhưng chết người này.

Ông Le nhấn mạnh rằng: “Chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn trong việc sàng lọc PAD và điều trị nó như một bệnh lý độc lập. Không nên có tỷ lệ tử vong lên đến 50% ở nhóm bệnh nhân này. Với việc phát triển và thực hiện sàng lọc bệnh tốt hơn và theo dõi điều trị chặt chẽ hơn, chúng ta có thể tăng tỷ lệ điều trị thích hợp cho những bệnh nhân này và giảm tỷ lệ tử vong”.

PAD là một tình trạng rối loạn tuần hoàn, xảy ra khi các động mạch cung cấp máu cho tay, chân bị hẹp hoặc tắc nghẽn do tích tụ mảng bám, dẫn đến lưu lượng máu giảm nghiêm trọng. Bệnh này có thể gây ra các triệu chứng như chân tay lạnh, chuột rút, loét chân tay.

Ở giai đoạn nặng, PAD có thể gây đau đớn kéo dài, vết loét không lành và thậm chí dẫn tới nguy cơ mất chi nếu không được can thiệp kịp thời. Bệnh PAD có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng phổ biến hơn ở nhóm người từ 65 tuổi trở lên.

Hiện chưa có phương pháp chữa khỏi PAD, nhưng các biện pháp như tập đi bộ thường xuyên, bỏ thuốc lá và kết hợp dùng thuốc có thể làm giảm triệu chứng và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

Bình luận