Tiêu điểm: Nhân Humanity

Sau sinh, mẹ cần có 7 bí kíp này để nhanh phục hồi sau kỳ hậu sản

(VOH) - Kiêng cữ sau sinh là tục lệ được truyền miệng qua nhiều đời, có những quan niệm đúng nhưng có những quan niệm mà ngay nay không còn phù hợp. Vậy kiêng cữ sau sinh như thế nào cho an toàn?

Dưới đây là một số chia sẻ của Ths.BS Đặng Lê Dung Hạnh (Trưởng Khoa Khám – Bệnh viện Hùng Vương) về các vấn đề kiêng cữ xưa và nay, đồng thời, bác sĩ cũng đã đưa ra một số lời khuyên hữu ích về các vấn đề nên làm sau sinh để vừa tốt cho sức khỏe của mẹ, vừa an toàn cho bé. 

1. Sau sinh nên ăn gì?

Xưa: Người xưa truyền tai nhau rằng phụ nữ sau sinh chỉ nên ăn thịt kho mặn với cơm trắng, không nên ăn nhiều canh, rau.

Nay: Bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh cho biết, thực tế món thịt kho mặn cũng rất tốt cho phụ nữ sau sinh vì thịt cung cấp nhiều năng lượng, hình thức kho sẽ không sợ ăn phải thịt sống và ăn mặn sẽ giúp người mẹ uống nhiều nước để tăng nhiều sữa cho con bú hơn. Tuy nhiên, nếu phụ nữ sau sinh chỉ ăn 1 món thịt kho mặn với cơm trắng thì chế độ ăn rất đơn điệu, điều này sẽ không cung cấp đủ chất, hơn nữa trong thịt kho mặn chứa một lượng muối lớn, điều này cũng không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là thận.

sau-sinh-va-7-dieu-me-nen-biet-voh-1

Chế độ ăn sau sinh nên đảm bảo đủ chất (Nguồn: Internet)

Lời khuyên: Sau sinh, các mẹ có thể ăn được tất cả các thức ăn như bình thường. Các mẹ đừng sợ khi thức ăn vào cơ thể sẽ chuyển vào sữa ngay mà nó phải qua quá trình chuyển hóa để tạo nên 3 chất cơ bản là đạm, đường, béo, sau đó mới vào máu và luân chuyển để nuôi dưỡng từng bộ phận trong cơ thể. Các mẹ có thể ăn uống bình thường nhưng thức ăn phải đảm bảo các yếu tố như hợp vệ sinh, thức ăn được nấu chín và không để thức ăn quá lâu hoặc qua đêm. Ngoài ra, rau xanh cũng rất tốt cho phụ nữ sau sinh vì nó cung cấp nước, chất khoáng, chất xơ và các vitamin, do đó, không nên kiêng ăn rau.

2. Sau sinh uống gì để lợi sữa?

Xưa: Người xưa thường xuyên phụ nữ sau sinh uống bia pha với hột gà sẽ giúp lợi sữa. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hạnh, uống nhiều bia, lượng cồn trong bia sẽ ảnh hưởng đến mẹ, sau đó gián tiếp ảnh hưởng đến con.

Nay: Để có nhiều sữa, sau sinh mẹ nên uống nhiều nước, bên cạnh đó có thể uống thêm sữa. Bởi việc uống sữa vừa cung cấp nước, vừa cung cấp thêm canxi và chất đạm. Ngoài ra, sau sinh bé được nằm gần mẹ, mút bú sớm cũng là yếu tố kích thích tiết sữa được tốt hơn.

3. Sau sinh có nên uống rượu nếp cẩm hay thuốc Bắc?

Xưa: Những người phụ nữ sau sinh ngày xưa luôn dùng rượu nếp cẩm. Vậy rượu này có tốt không? Bác sĩ Hạnh cho biết, rượu nếp cẩm có vị ngọt, có cồn và men của rượu có tác dụng giúp tiêu hóa tốt hơn. Phụ nữ sau sinh có thể dùng rượu bếp cẩm nhưng chỉ nên dùng với số lượng ít.

Nay: Nếu ở nhà không có rượu nếp cẩm thì các bà mẹ sau sinh cũng có thể duy trì chế độ ăn uống khoa học là được.

Ngoài ra, nhiều người xưa cũng cho rằng phụ nữ sau sinh nên dùng thuốc Bắc. Theo sự hiểu biết của bác sĩ Hạnh, các than thuốc Bắc dành cho các sản phụ sau sinh có nhiều dược phẩm tốt, tuy nhiên, nếu muốn sử dụng, các mẹ phải tìm mua các nguồn thuốc Bắc đáng tin cậy.

4. Sau sinh nên vận động hay nằm nghỉ ngơi?

Phụ nữ sau sinh được khuyến cáo nên hạn chế vận động. Theo bác sĩ Hạnh, phụ nữ sau sinh cần hạn chế vận động là do sau sinh cơ thể mệt mỏi, mất máu nhiều, khi đi lại nhiều có thể gây chóng mặt, dễ té ngã. 

Tuy nhiên, nếu sau sinh sức khỏe bình thường, không mất nhiều máu thì sau 2 – 3 ngày các mẹ nên đi lại, vận động nhẹ nhàng. Việc vận động sẽ giúp tử cung thải ra các chất dịch còn sót lại sau sinh, đồng thời tránh nguy cơ thuyên tắc tĩnh mạch ở người sản phụ. 

5. Sau sinh có nên nằm than?

Xưa: Ngày xưa, hầu hết các sản phụ sau sinh đều phải nằm than ở nhà. Theo bác sĩ Hạnh, sản phụ nằm than là do sau sinh dễ bị lạnh, hơi nóng của than sẽ giúp giữ ấm cơ thể. Nếu sống ở vùng có thời tiết lạnh, việc nằm than cũng giúp giữ ấm cơ thể cho người mẹ, tránh bị lạnh. Tuy nhiên, nếu thời tiết nóng bứt thì việc nằm than là không cần thiết.

Nay: Theo bác sĩ Hạnh, các sản phụ sau sinh không nên nằm than, đặc biệt là nằm than trong phòng kín. Bởi vì khi đốt than trong phòng kín, khí oxit cacbon không bay ra ngoài được, mẹ và bé hít vào sẽ rất độc và nguy hiểm cho sức khỏe. Ngoài ra, nằm than nếu không cẩn thận có thể gây bỏng cho cả mẹ và bé. Nếu sợ bị lạnh về sau thì các mẹ có thể mặc nhiều áo ấm sau sinh hoặc tăng cường đắp mền, sử dụng bóng đèn tăng nhiệt độ trong phòng để giữ ấm. 

6. Sau sinh bao lâu thì tắm được?

Xưa: Theo quan niệm của người xưa, phụ nữ sau sinh nên kiêng tắm 1 tháng để tránh bị cảm lạnh sau này.

Nay: Hiện nay, rất hiếm sản phụ có thể kiêng tắm trong 1 tháng, nếu có kiêng tắm thì tối đa cũng chỉ được 1 tuần. Theo bác sĩ Hạnh, phụ nữ sau sinh vẫn có thể tắm, gội đầu nhưng nên tắm bằng nước ấm, không tắm lâu, sau khi tắm nên tránh vùng có gió nhiều. Đối với các bà mẹ có tóc dài thì nên cắt tóc để việc tắm gội được nhanh hơn, đồng thời tóc cũng mau khô hơn.

sau-sinh-va-7-dieu-me-nen-biet-voh-2

Phụ nữ sau sinh có thể tắm gội nhưng nên dùng nước ấm và tắm thật nhanh (Nguồn: Internet)

7. Sau sinh bao lâu thì sinh hoạt vợ chồng?

Theo bác sĩ Hạnh, thời gian hậu sản thường là 6 tuần, thời gian này đủ để tử cung và bộ phận sinh dục của người phụ nữ trở lại bình thường. Do đó, nếu có sinh hoạt vợ chồng thì nên thực hiện sau thời gian hậu sản. Trong một số trường hợp đặc biệt thì nên kéo dài thời gian kiêng cữ hơn. 

Lưu ý: Nếu quan hệ sớm, người phụ nữ sẽ rất mệt, đường sinh dục mềm và lỏng lẽo nên có thể gây tổn thương và chảy máu. Hơn nữa, thời gian đầu sau sinh, tử cung còn mở rất rộng, nếu quan hệ sớm dễ gây nhiễm trùng. 

Trên đây là một số lời khuyên rất hữu ích từ bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh dành cho các bà mẹ sau sinh. Các mẹ hãy nắm rõ những điều này để sớm hồi phục sức khỏe sau sinh, đồng thời phòng ngừa được các biến chứng sau này.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh tại audio bên dưới:

Bình luận