Tiêu điểm: Nhân Humanity

Sơ cứu đột quỵ bằng cách dùng lưỡi dao rạch ngón tay, bệnh nhân suýt nguy kịch

(VOH) - Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân đột quỵ nhập viện với 5 đầu ngón tay bị dao lam rạch sâu.

Khai thác bệnh sử ghi nhận, nam bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, hút thuốc, hẹp động mạch nội sọ và đột ngột liệt nửa người. Sốt sắng mong bệnh nhân được cải thiện, gia đình đã tham khảo “thầy thuốc google” và xử trí bằng cách lấy lưỡi lam cắt sâu vào đầu ngón tay bên bị liệt của bệnh nhân.

Người bệnh bị chảy máu nhiều, nhưng chờ mãi không thấy hết liệt nên gia đình đưa bệnh nhân vào bệnh viện huyện. Ngay lập tức, bác sĩ chuyển người bệnh lên Bệnh viện Nhân dân 115 để kịp giờ vàng. 

Khi đến Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh nhân đã trải qua hơn 6 giờ kể từ lúc khởi phát triệu chứng. Qua thăm khám, thực hiện chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ nhận định bệnh nhân bị tắc động mạch não giữa và can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ ngay sau đó.

Hiện bệnh nhân đã xuất viện và được bác sĩ yêu cầu bỏ thuốc lá, tuân thủ uống thuốc theo đơn, phòng ngừa nguy cơ tái phát đột quỵ.

đột quỵ
Bệnh nhân được cấp cứu trong giờ vàng. (Ảnh: Bệnh viện Nhân dân 115)

Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng - Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 khẳng định, chưa có bằng chứng về việc cấp cứu cho người bị đột quỵ bằng cách chích máu từ đầu ngón tay. Nguyên tắc vàng khi phát hiện một người bị đột quỵ là tính thời điểm để can thiệp, giúp bệnh nhân thoát nguy cơ tử vong cũng như tàn phế. 

Động tác đầu tiên khi gặp người bị đột quỵ là đưa bệnh nhân tới bệnh viện gần nhất có khả năng cấp cứu đột quỵ. Nếu trì hoãn mỗi phút, 2 triệu tế bào não sẽ chết và không thể phục hồi được. Do đó, đến bệnh viện càng sớm, khả năng cấp cứu đột quỵ thành công càng cao. 

Để phát hiện sớm cơn đột quỵ, cần dựa vào những dấu hiệu ban đầu sau đây: Người bệnh có thể bị liệt một bên mặt với biểu hiện méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi người bệnh há miệng hoặc cười; Người bệnh cử động khó hoặc không thể cử động một tay hoặc tay chân một bên cơ thể.

Cách nhận biết nhanh chóng nhất là yêu cầu người bệnh giơ 2 tay lên sẽ thấy một bên không giơ hoặc không giữ lại được; Người bệnh khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường, hoặc không hiểu lời nói…

Người nhà cần tranh thủ tối đa thời gian gọi xe cứu thương ngay đưa người bệnh đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời. Ngoài ra, có thể ghi nhớ các dấu hiệu và cách xử trí bằng câu: “Méo cười, ngọng nói, xuội tay – Mau gọi cấp cứu, đi ngay, đừng chờ”.

Bình luận