Tiêu điểm: Nhân Humanity

Sốt xuất huyết ở trẻ em và những lời khuyên của Bác sỹ CKI Nguyễn Cát Phương Vũ

(VOH) - Theo Sở Y tế TPHCM, báo cáo nhanh từ 4 bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết Dengue của thành phố cho thấy, các ca bệnh nhập viện điều trị đang gia tăng.

Đến nay, TPHCM có 626 trường hợp đang nằm điều trị nội trú với 82 trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng, 50% số bệnh nhân nặng là do các bệnh viện tỉnh chuyển đến do quá khả năng điều trị. 

Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), trong tuần vừa rồi TPHCM ghi nhận có 2.181 ca bệnh sốt xuất huyết (gồm 1.182 ca nội trú và 999 ca ngoại trú), tăng 38,5% so với trung bình 4 tuần trước (1.575 ca), số ca nội trú tăng 25,9% và ngoại trú tăng 57,1%.

Liên quan đến công tác phòng chống Sốt xuất huyết (SXH) ở trẻ em, VOH có trao đổi với Bác sỹ CKI Nguyễn Cát Phương Vũ - Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng TPHCM.

 

*VOH: Những năm trước, tháng 6 hằng năm là giai đoạn thấp điểm của dịch này, tuy nhiên năm nay số ca có chiều hướng gia tăng mạnh. Thời gian gần đây liên tục có những cảnh báo liên quan tới sốt xuất huyết, ghi nhận tại bệnh viện Nhi Đồng Thành phố về tình hình ca bệnh sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay như thế nào thưa bác sỹ?

Bác sỹ CKI Nguyễn Cát Phương Vũ: Dạo gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết nặng nhập viện khá nhiều, điều đó cho thấy số ca mắc trong cộng đồng đang rất lớn. Tại Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM, theo ghi nhận tại các khoa chuyên trị SXH,Nhiễm, Nội – Tổng hợp và ca các khoa đặc trị SXH nặng như Hồi sức Tích cực thì số ca nội trú từ 60 – 100 ca mỗi ngày. Trong đó, số ca nặng phải điều trị tích cực, thở oxy, thở máy tổn thương đa cơ quan, có sốc, xuất huyết, suy hô hấp, gặp các biến chứng nguy hiểm… thì từ 10 – 15 ca nguy kịch nhập viện mỗi ngày.

*VOH: Những ca nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM hiện có gặp trường hợp "nhập viện trễ" hay không? Và thường gặp những vấn đề gì?

Bác sỹ CKI Nguyễn Cát Phương Vũ: Theo tôi thấy, nhờ tuyên truyền của cơ quan truyền thông trong thời gian gần đây, cho nên quý phụ huynh thì đã dần cảnh giác, đưa con đến khám sớm và tuân thủ điều trị. Tuy nhiên, một số người vẫn có tâm lý rất chủ quan tự chữa bệnh tại nhà, trong khi họ thiếu kiến thức nhận biết dấu hiệu nặng về SXH, khi đến cơ sở khám chữa bệnh đã trong tình trạng nặng, gây khó khăn cho công tác điều trị. Ngoài ra, hiện một số nơi còn chích thuốc tại nhà hay tại phòng mạch, đây là việc lợi bất cập hại.

Khi trẻ đã SXH giảm tiểu cầu hay rối loạn đông máu, việc chích thuốc bừa bãi nguy cơ tạo ra những khối xuất huyết cơ, khối máu tụ… và để lại nhiều biến chứng khó lường. Đáng chú ý, tại một số cơ sở y tế tuyến trước, do bất an sớm nên truyền dịch sớm khi chưa có chỉ định, điều đó dễ gây quá tải dịch ở trẻ. Khi chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM thì suy hô hấp, khó khăn nhiều trong cân bằng dịch và hồi sức, nhiều trẻ phải thở máy sớm…

*VOH: Theo báo cáo trong 5 tháng đầu năm 2022, TPHCM ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 66,5% với cùng kỳ năm 2021 (7.039 ca). Từ đầu năm đến nay có 7 ca tử vong, như vậy tử vong do SXH thường từ nguyên do nào, và diễn tiến bệnh có nhanh hay không thưa bác sỹ?

Bác sỹ CKI Nguyễn Cát Phương Vũ: Theo y văn và những thống kê thì luôn có một tỷ lệ nhất định các bệnh nhân SXH nặng có nguy cơ tử vong. Ngoài ra, những ca có tình trạng cảnh báo nặng mà không được xử trí kịp thời, bệnh nhân đến muộn cũng khiến bệnh có nguy cơ diễn tiến nặng hơn và dẫn đến tử vong. Bệnh nhân tử vong do SXH nặng thường là do giảm tiểu cầu trong máu ngoại biên, nhiễm trùng huyết, suy đa tạng…SXH nặng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi gan và tim, huyết áp giảm đến mức nguy hiểm gây sốc và trong một số trường hợp dẫn tới tử vong. Nhiễm trùng máu và suy đa tạng là những biến chứng rất nguy hiểm gây tử vong ở các trẻ mắc SXH. Khi các trẻ gặp biến chứng suy đa tạng thì cần được lọc máu cấp cứu ngay lập tức.

*VOH: Những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết cần gặp bác sĩ ngay?

Bác sỹ CKI Nguyễn Cát Phương Vũ: Đa số các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm của bệnh SXH thì ở giai đoạn phụ huynh thường bỏ sót. Khi trẻ bứt rứt, li bì, nôn ói nhiều, đau bụng ngày càng tăng, chảy máu nhiều nơi, tiểu ít… thì phải đưa đến bệnh viện ngay lập tức. Còn chờ đến khi trẻ lạnh, tím tay chân, tái môi, tụt huyết áp thì có thể đã quá muộn.

*VOH: Trong trường hợp điều trị SXH tại nhà thì cần lưu ý gì?

Bác sỹ CKI Nguyễn Cát Phương Vũ: Các trường hợp test nhanh ra dương tính SXH thì nếu không có dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng thì đa phần bác sỹ cho về nhà và dặn tái khám theo lịch. Cho nên, phụ huynh nên tuân thủ theo chỉ định của bác sỹ, dùng thuốc hạ sốt đúng liều, không tự ý cắt lể, cạo gió cho bé, cho trẻ uống nhiều nước (tránh các loại nước có gas, có màu đậm như trà, cafe…) và luôn nhớ tái khám đúng hẹn đúng lịch. 

 *VOH: Xin cảm ơn bác
 

Sở Y tế TPHCM cho biết hiện nay sốt xuất huyết đang dần vào cao điểm mùa dịch, số mắc liên tục tăng cao. Sở Y tế TPHCM khuyến cáo các phòng khám tư nhân, các tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn các trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue.

Ngành y tế cảnh báo, sốt xuất huyết là bệnh có thể phòng ngừa. Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi cơ quan, xí nghiệp, trường học,… tích cực và nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền và phát động chiến dịch vệ sinh môi trường phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue.

 

Bình luận