Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thử thách 'đứng 1 chân' kiểm tra đột quỵ là gì?

(VOH) - Thời gian gần đây trào lưu ‘đứng 1 chân’ để kiểm tra nguy cơ đột quỵ đang thu hút rất nhiều người tham gia. Vậy thử thách “đứng 1 chân” kiểm tra đột quỵ là gì?

Chiều ngày 9/12 thông tin nghệ sĩ Chí Tài qua đời khiến cho rất nhiều người hâm mộ vô cùng bất ngờ và thương tiếc. Trước đó, có thông tin nghệ sĩ Chí Tài đã từng tham gia thực hiện thử thách “đứng 1 chân” để kiểm tra nguy cơ đột quỵ.

1. Thử thách “đứng một chân” kiểm tra đột quỵ là gì?

Thử thách “đứng 1 chân” hay còn gọi là “OneLeg Challenge" là thử thách giúp phát hiện nguy cơ tiềm ẩn của bệnh đột quỵ. Những người ngoài 40 tuổi có thể thực hiện thử thách “đứng 1 chân và nhắm mắt trong khoảng thời gian 20 giây”. 

Cách thực hiện gồm: đứng một chân thẳng, chân còn lại co lên vuông góc với chân trụ, tay không dựa vào tường hay bất cứ vật đỡ nào, không dùng tay giữ chân, nhắm mắt và đứng yên trong 20 giây.

Đây là thử thách xuất phát từ nghiên cứu của Đại Y khoa Kyoto (Nhật Bản) trên 1.387 người ở độ tuổi trung bình là 67 tuổi. Kết quả cho thấy, có hơn 95% người không đứng được quá 20 giây.

thu-thach-dung-1-chan-kiem-tra-dot-quy-la-gi-voh-0
Thử thách "đứng 1 chân" có thể áp dụng cho tất cả mọi người, đặc biệt là người lớn tuổi (Nguồn: Internet)

Những người tham gia thử thách thất bại được đưa đi chụp cộng hưởng từ não bộ để đánh giá mạch máu não. Không ngờ là có đến hơn 50% người xuất hiện 1-2 ổ nhồi máu lỗ khuyết do cục máu đông (tắc động mạch nhỏ nằm sâu trong não) và 45% có 1-2 điểm vi xuất huyết (chảy máu ít trong não).

Các chuyên gia gọi đây là đột quỵ "thầm lặng". Thông thường, sự phối hợp giữa tay và chân sẽ được kiểm soát bởi mạng lưới thần kinh phức tạp nằm sâu trong não. Vì thế, khi bạn không thể đứng quá 20 giây là dấu hiệu cho thấy các mạch thần kinh nằm sâu trong não đang gặp trục trặc (tắc nghẽn mạch máu não, chảy máu trong não...), nên không thể phối hợp ăn ý giữa tay và chân đứng.

Ngoài ra, khả năng đứng một chân và nhắm mắt giữ thăng bằng kém còn liên quan đến các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ như: mỡ trong máu, huyết áp, bệnh tiểu đường, hút thuốc lá… Nói cách khác, khi các yếu tố nguy cơ này tăng lên, thời gian đứng sẽ giảm xuống, và dưới 20 giây là ngưỡng đáng lo.

2. Thử thách "đứng 1 chân" có thật sự hiệu quả?

Đột quỵ luôn đến bất ngờ mà không hề báo trước, do đó, rất khó để bạn biết khi nào cần đi thăm khám, trừ khi ngã xuống phải đi cấp cứu. Chính vì thế, thử thách “đứng 1 chân” được Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo như một bài kiểm tra nguy cơ đột quỵ tại nhà mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện.

Hơn cả một trào lưu làm cho vui, thử thách “đứng 1 chân” còn khiến nhiều người phải giật mình lo ngại về căn  bệnh “đến bất ngờ và đi đột ngột” này. Ngoài ra, thử thách này còn muốn truyền đi thông điệp nhân văn, nhắc nhở tất cả mọi người hãy thăm khám sức khỏe định kỳ, điều chỉnh lối sống, cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi,... để có thể chủ động phòng ngừa đột quỵ.

Đột quỵ là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, có thể đến bất ngờ mà không ai có thể biết trước. Xây xẩm chóng mặt và tê yếu chân tay là 2 dấu hiệu điển hình nhất, cho thấy có cơn thiếu máu não thoáng qua (đột quỵ nhỏ), do các cục máu đông rất nhỏ làm tắc nghẽn lòng mạch và giảm lưu thông máu đến não tạm thời. 

Vì thế, tất cả mọi người đừng bỏ qua những cảnh báo này, nếu bạn từng xây xẩm chóng mặt và tê yếu tay chân một vài lần, hãy đến bệnh viện kiểm tra ngay, đừng bỏ qua cơ hội cứu sống chính mình trước cơn đột quỵ sắp ập đến.

Bình luận