Tuy nhiên, không chỉ trẻ em mới cần tiêm vắc xin. Tiêm chủng trọn đời, đặc biệt cho người lớn tuổi, đang trở thành một phần quan trọng trong chiến lược chăm sóc sức khỏe chủ động trên toàn cầu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nỗ lực tiêm chủng toàn cầu trong vòng 50 năm qua đã cứu sống khoảng 154 triệu người, tương đương với 6 sinh mạng mỗi phút. Với mỗi mạng sống được cứu, trung bình nhân loại có thêm 66 năm sống khỏe mạnh. Những con số này cho thấy tầm ảnh hưởng sâu rộng và bền vững của tiêm chủng đối với sức khỏe cộng đồng.

Thế nhưng, thực tế cho thấy chỉ một số ít quốc gia hiện nay đưa ra khuyến nghị tiêm chủng đầy đủ cho mọi lứa tuổi. Tiêm chủng cho người lớn vẫn chưa được phổ cập rộng rãi, dù WHO đã xác nhận rằng có đến 25 bệnh truyền nhiễm hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng vắc xin.
Nhân Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới năm 2025, diễn ra từ ngày 24 đến 30/4, một lần nữa lời kêu gọi chủ động tiêm chủng ở mọi độ tuổi được nhấn mạnh, trong bối cảnh dân số thế giới đang già hóa nhanh chóng. Theo số liệu của WHO năm 2022, dân số toàn cầu từ 60 tuổi trở lên dự kiến sẽ tăng từ 1 tỷ người vào năm 2020 lên 1,4 tỷ người vào năm 2030. Xu hướng này đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị những chiến lược bảo vệ sức khỏe phù hợp, trong đó tiêm chủng là nền tảng then chốt.
Người lớn tuổi đối mặt với nguy cơ cao mắc bệnh mãn tính và các bệnh truyền nhiễm. Trong khi đó, hệ thống miễn dịch của họ suy giảm theo thời gian, làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng và biến chứng. Việc tiêm chủng không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn giảm gánh nặng bệnh tật cho gia đình, cộng đồng và hệ thống y tế.

Một trong những lợi ích nổi bật khác của tiêm chủng là góp phần giảm thiểu tình trạng kháng thuốc kháng sinh (AMR) – một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe toàn cầu. Bằng cách phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng, vắc xin làm giảm nhu cầu sử dụng kháng sinh, từ đó hạn chế sự phát triển của các chủng vi khuẩn kháng thuốc.
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Liên, Chủ tịch GSK Việt Nam, nhấn mạnh: “Việc đầu tư vào tiêm chủng cho người lớn là rất quan trọng để ngăn chặn bệnh tật và nâng cao chất lượng sống. Nhân Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới 2025, chúng tôi cùng các đối tác tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi từ chăm sóc bệnh nhân sang chăm sóc sức khỏe chủ động, tạo điều kiện tiếp cận rộng rãi và xây dựng lòng tin vào giá trị của tiêm chủng”.
Tiến bộ khoa học và công nghệ trong những năm gần đây đã mở ra cơ hội lớn để phát triển các loại vắc xin mới, hiệu quả hơn, và mở rộng đối tượng tiêm chủng. Điều này không chỉ giúp phòng ngừa bệnh tật mà còn góp phần đối phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và già hóa dân số.

Đầu tư vào tiêm chủng người lớn cũng mang lại giá trị kinh tế đáng kể. Theo nghiên cứu của Văn phòng Kinh tế Y tế (OHE), lợi ích kinh tế - xã hội từ việc tiêm chủng người lớn trung bình cao gấp 19 lần chi phí đầu tư. Người lớn tuổi được bảo vệ tốt sẽ duy trì cuộc sống năng động, giảm thiểu gánh nặng y tế, đồng thời tiếp tục đóng góp cho xã hội.
Việc chủ động tiêm chủng trọn đời không chỉ là cách để bảo vệ bản thân khỏi những căn bệnh nguy hiểm, mà còn là một khoản đầu tư bền vững cho sức khỏe cộng đồng. Khi mỗi cá nhân khỏe mạnh hơn, cộng đồng cũng sẽ mạnh mẽ hơn.
Cùng nhau, chúng ta có thể tái định nghĩa chăm sóc sức khỏe không chỉ là chữa trị bệnh tật, mà còn là chủ động duy trì sức khỏe, hướng tới một tương lai khỏe mạnh, thịnh vượng và hạnh phúc hơn cho tất cả mọi người.