Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tiêm phòng bệnh dại và truyền nhiễm cho chó, mèo là việc rất cấp thiết để bảo vệ sức khỏe người nuôi

VOH - Chuyên gia khuyến cáo, việc tiêm phòng bệnh dại và truyền nhiễm cho chó, mèo là việc rất cấp thiết, nhất là khi các bệnh liên quan tới các loài vật này ngày càng gia tăng.

Thống kê 2 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan - Trưởng Khoa Thú y - Chăn nuôi, trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH), việc nuôi chó, mèo ở nông thôn hiện được xem như vật nuôi giữ nhà hoặc bắt chuột và không được quản lý chặt chẽ. Chó, mèo được tự do, không được huấn luyện hay chăm sóc sức khỏe kỹ như ở các thành phố lớn.

Nhiều thú nuôi có bản tính hung dữ có thể gây ra những tổn thương không mong muốn đối với chủ nuôi cũng như không phải người nuôi. Vì vậy, việc nuôi chó, mèo cần được quản lý chặt, từ việc rọ mõm khi thả ra ngoài, đến quản lý bệnh tật (như bệnh dại, bệnh do xoắn khuẩn - Leptospirosis) từ chó mèo truyền sang người.

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan - Trưởng Khoa Thú y - Chăn nuôi, trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH)
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan - Trưởng Khoa Thú y - Chăn nuôi, trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH)

Xem thêm: Nuôi chó, mèo làm chậm quá trình suy giảm nhận thức

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan cho biết, về mặt dịch tễ học của những bệnh truyền nhiễm gây bệnh trực tiếp trên chó như Parvovirus, Carré, viêm gan truyền nhiễm, Leptospirosis, ho cũi, dại; bệnh truyền nhiễm trên mèo như: giảm bạch cầu, Herpesvirus, coronavirus, dại…

Đặc biệt, bệnh dại rất nguy hiểm gián tiếp thông qua vết cắn, cào, tiếp xúc với nước dãi tại vết thương hở. Nếu mang mầm bệnh dại của chó, con người có thể tử vong. Ngoài ra, Leptospirosis và nấm da cũng là bệnh truyền lây sang người. Do đó, việc tiêm phòng bệnh dại và truyền nhiễm cho chó, mèo là việc rất cấp thiết.

Đối với việc nuôi thú cưng tại các thành phố lớn, do không gian nuôi thú cưng hẹp hơn nông thôn nên việc vệ sinh chất thải khó khăn hơn, mùi hôi nhiều hơn. Tuy nhiên, về mặt chăm sóc sức khỏe thú cưng được quan tâm hơn, đặc biệt là được tiêm vaccine đầy đủ do sự tiếp cận thông tin từ các bác sĩ thú y...

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan lưu ý, dù thú cưng (chó, mèo) được tiêm phòng vaccine đầy đủ nhưng vẫn cần phải chăm sóc chúng kỹ lưỡng và tiêm nhắc định kỳ.

Ngoài ra, người nuôi cũng cần cẩn trọng với một số bệnh có thể lây sang người như bệnh về da như viêm da do nấm, hoặc do vi khuẩn staphyloccus hay một số bệnh ngoại ký sinh trùng (ve, ghẻ, bọ chét,…) hay nội ký sinh trùng (giun tròn, sán dây…) khi tiếp xúc thông qua ôm, bế thú cưng.

thú cưng
Chuyên gia khuyến cáo, những người nuôi thú cưng cần tiêm vaccine phòng bệnh dại và truyền nhiễm cho chó, mèo của mình.

Trong giai đoạn 2016 - 2021, số lượng thú cưng tại Việt Nam đã tăng từ 21 triệu lên 27 triệu con. Riêng với chó và mèo, hiện có khoảng 11,8 triệu con. Dự kiến năm 2027, con số này sẽ tăng lên 16 triệu.

Những con số đã nói lên được việc nuôi thú cưng tại Việt Nam nói riêng hay trên thế giới nói chung ngày một tăng. Theo đó, việc chăm sóc sức khỏe thú cưng cũng được chú trọng bao gồm nhiều yếu tố khác nhau như: khám chữa bệnh, thuốc, vaccine, thức ăn, nước uống, thẩm mỹ thú cưng, môi trường sống cũng như cách nuôi dưỡng.

Bình luận