Tiêu điểm: Nhân Humanity

Truyền huyết thanh cứu sống người phụ nữ bị rắn lục đuôi đỏ cắn

QUẢNG NINH - Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí vừa thông tin về việc cứu sống người phụ nữ bị rắn lục đuôi đỏ cắn bằng phương pháp truyền huyết thanh.

Gần 1 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân N.T.H. (38 tuổi, ở Thanh Sơn, Uông Bí) bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Bệnh nhân cho biết, sau khi bị rắn cắn được thầy lang gần nhà mách và làm theo cách băng chặt, sau đó nặn máu và rửa vết cắn bằng rượu trắng. Tuy nhiên, sau đó vết thương ngày càng sưng, tím, khó vận động và đau nhiều, nên bệnh nhân mới đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí điều trị.

Thời điểm tiếp nhận, bệnh nhân hạn chế vận động vùng cẳng bàn chân phải, quanh vết cắn vùng cổ chân phải tím, vùng từ cổ chân đến bàn chân phải sưng nề, đau nhức. Kết quả xét nghiệm cho thấy có tình trạng rối loạn đông máu.

ran-luc-131224
Bệnh nhân bị rắn cắn ở vùng cổ chân hiện đã được điều trị ổn định

Các bác sĩ đã tiến hành điều trị theo phác đồ chống độc đặc hiệu bằng huyết thanh kháng nọc rắn lục. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân được truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục, kết hợp với kháng viêm, giảm đau, kháng sinh dự phòng nhiễm trùng, truyền dịch…

Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định, kết quả xét nghiệm máu trở về chỉ số bình thường. 

Bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Thăng Vân – Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nội cho biết, khi bị rắn độc cắn, bệnh nhân cần được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời, nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ ảnh hưởng tính mạng.

Cần hạn chế vận động tránh làm tăng nhanh quá trình tác động của nọc đến các phần khác của cơ thể, đặc biệt không được chích rạch, nặn máu hay đắp các loại thuốc lá truyền miệng, chưa được khoa học kiểm chứng.

Việc sử dụng huyết thanh kháng nọc để điều trị bệnh nhân bị rắn cắn là phương pháp điều trị đặc hiệu, mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian điều trị và giảm tỷ lệ tử vong.

Rắn lục đuôi đỏ là một loài rắn có nọc độc. Nọc độc của chúng nhiều hơn nọc độc của các loại rắn lục thường và có khả năng gây rối loạn đông máu nghiêm trọng ở người.

Mức độ nguy hiểm của nọc độc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lượng nọc độc được tiêm vào cơ thể, vị trí vết cắn, cũng như phản ứng của từng cá nhân với nọc độc.

Khi nọc độc của rắn lục đuôi đỏ xâm nhập vào cơ thể người, nó tác động trực tiếp đến hệ thống tuần hoàn, đặc biệt là quá trình đông máu. Nọc độc chứa các enzyme và protein có khả năng phá hủy tế bào máu, làm tiêu hủy hoặc ức chế các yếu tố đông máu. 

Nếu không được điều trị kịp thời, các biến chứng khi bị rắn cắn có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Vì vậy, khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được sơ cứu và điều trị kịp thời.

Bình luận