Uống nước ngọt thường xuyên có thể làm thay đổi cách cơ thể hấp thụ đường

VOH - Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, việc uống nước ngọt thường xuyên có thể làm thay đổi cơ chế trao đổi chất của chúng ta, khiến ruột ưu tiên hấp thụ đường hơn là các dưỡng chất khác.

Nghiên cứu mới nhất này, được công bố trên Tạp chí Nutritional Biochemistry, tập trung chủ yếu vào việc tiêu thụ đường sucrose ở mức độ vừa phải.

Các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Cơ bản Tata (TIFR), Ấn Độ, phát hiện rằng, việc tiêu thụ thường xuyên các đồ uống ngọt như nước ngọt và trà có hương liệu sẽ kích hoạt quá trình thích nghi đáng lo ngại trong cơ thể, khiến ruột ưu tiên hấp thụ đường hơn là các dưỡng chất khác.

Các nhà nghiên cứu đã đặt tên hiện tượng này là “nghiện đường" ở cấp độ phân tử. Phát hiện này cho thấy, thói quen ăn uống không lành mạnh có thể làm thay đổi cơ chế trao đổi chất của chúng ta.

nuoc ngot

Việc áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh hơn có thể đòi hỏi phải vượt qua cả rào cản về mặt tâm lý và sinh lý. - Ảnh: stock.adobe.com.

Trong suốt 3 tháng thử nghiệm, 2 nhóm chuột thí nghiệm được cho uống nước thường hoặc nước có chứa 10% đường sucrose (đường cát), tương đương với lượng đường trong các loại nước ngọt thương mại.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích sự thay đổi trong chuyển hóa của cả 2 nhóm chuột và phát hiện rằng, chuột tiêu thụ nước có sucrose đã phát triển tình trạng kháng insulin và không dung nạp glucose.

Ngoài ra, ruột của chúng cũng đã thích nghi để tăng cường khả năng hấp thụ đường, có nghĩa là chúng sẽ hấp thụ nhiều đường hơn từ tất cả các loại thực phẩm, không chỉ riêng nước ngọt.

Các nhà khoa học đã quan sát thấy sự gia tăng của các protein chuyển hóa đường từ ruột vào máu, khiến chuột hấp thụ được tối đa lượng đường từ tất cả những gì chúng ăn.

Việc chuột tiêu thụ nước ngọt cũng được chứng minh có thể làm thay đổi cách thức hoạt động của gan và cơ bắp của chúng, điều mà các nhà nghiên cứu cho rằng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh chuyển hóa như tiểu đường và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD).

Thông thường, ruột sẽ xử lý nhiều loại dưỡng chất khác nhau, bao gồm protein, chất béo và carbohydrate.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ nhiều đường lại làm gián đoạn sự cân bằng này, tăng cường các chất vận chuyển đường trong khi giảm bớt các chất vận chuyển protein và chất béo.

Điều này cho thấy, việc tiêu thụ quá nhiều đường không chỉ làm tăng lượng calo mà còn làm suy giảm khả năng hấp thụ và sử dụng các dưỡng chất thiết yếu của cơ thể.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây chính là lý do vì sao mặc dù đường rất nhiều calo nhưng nó lại khiến cơ thể dễ dàng rơi vào tình trạng thèm ăn, khiến việc từ bỏ nước ngọt lại trở thành một thử thách lớn đối với nhiều người.

Kết quả nghiên cứu cũng đã chứng minh vì sao đường trong thức uống gây hại cho cơ thể nhiều hơn so với đường có trong thực phẩm rắn.

Thực phẩm chưa qua chế biến chứa chất xơ và các thành phần khác làm chậm quá trình hấp thụ đường của cơ thể, trong khi đường trong thức uống không có rào cản như vậy, dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng lượng đường trong máu, có thể kích hoạt những thay đổi bất thường ở ruột.

Nhóm nghiên cứu kết luận rằng, việc tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên có thể gây ra hiện tượng “nghiện đường" ở cấp độ phân tử ở ruột, khiến việc hấp thụ đường hexose mất kiểm soát và thúc đẩy các bệnh như tiểu đường và béo phì.

Bình luận