Tiêu điểm: Nhân Humanity

Vắc xin AstraZeneca mà Việt Nam sắp nhập được WHO chấp thuận

(VOH) - Đánh giá của WHO cho thấy, vắc xin AstraZeneca đáp ứng các tiêu chí "phải có" về độ an toàn đối với người sử dụng, các lợi ích và mức độ hiệu quả cũng cao hơn những rủi ro có thể xảy ra.

Trong một thông cáo ngày 15/2, AstraZeneca cho biết sẽ phân phối khoảng 330 triệu liều vắc xin tới 145 nước trước cuối tháng 3 thông qua COVAX. Tại châu Á, trong số các nước sắp sửa được nhận vắc xin từ COVAX có Việt Nam, Philippines, Indonesia và một số nước khác như Triều Tiên, Hàn Quốc.

vac-xin-astrazeneca-ma-viet-nam-sap-nhap-duoc-who-chap-thuan-voh.com.vn-anh1
Vắc xin AstraZeneca do SII của Ấn Độ sản xuất được biết đến với tên gọi COVISHIELD. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, 2 loại vắc xin được phê duyệt hiện đang được sản xuất tại Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) và SKBio của Hàn Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech được WHO chấp thuận sử dụng khẩn cấp.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các công ty sản xuất vắc xin COVID-19 tiếp tục nộp hồ sơ cho WHO cùng lúc với các nước giàu để đánh giá mức độ an toàn, thông tin trên trong một cuộc họp báo rạng sáng 16/2 (giờ Việt Nam).

Trước đó, một hội đồng của WHO đưa ra các khuyến nghị tạm thời về vắc xin, trong đó lưu ý vắc xin của AstraZeneca có thể được sử dụng ở các quốc gia có biến thể Nam Phi của virus corona.

Tiến sĩ Mariangela Simao - Trợ lý tổng giám đốc WHO nhận định, việc đưa vắc xin của AstraZeneca vào danh sách sử dụng khẩn cấp sẽ mở đường cho việc tiêm chủng loại vắc xin này ở các nước nghèo. Đánh giá của WHO cho thấy, vắc xin AstraZeneca đáp ứng các tiêu chí "phải có" về độ an toàn, các lợi ích và mức độ hiệu quả cũng cao hơn những rủi ro có thể xảy ra.

Vắc xin của AstraZeneca đang được ca ngợi là "vắc xin cho thế giới" vì rẻ hơn và dễ phân phối hơn so với một số đối thủ, bao gồm cả vắc xin của Pfizer/BioNTech - vốn được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp vào cuối tháng 12 năm ngoái.

Về vấn đề vắc xin COVID-19 tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục khẩn trương chỉ đạo thực hiện nhập khẩu vắc xin để sớm đưa vắc xin về phục vụ người dân. Thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu sử dụng các vắc xin sản xuất trong nước. "Trong lúc này, nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ. Trong tháng 2 phải có được vắc xin từ nguồn viện trợ theo chương trình COVAX và nguồn nhập khẩu, đồng thời với đó là đẩy mạnh sản xuất trong nước. Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định cụ thể việc lựa chọn phương án, đối tác, loại vắc xin, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn tài chính, xác định đối tượng cần ưu tiên, những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ".

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Cường, Bộ Y tế cơ bản làm xong thủ tục tiếp nhận vaccine theo chương trình COVAX. Cuối tháng này, nếu sắp xếp kịp chuyến bay và hoàn thiện tốt các thủ tục thì có vaccine theo 2 nguồn là nguồn từ chương trình COVAX là 4,8 triệu liều và nhập khẩu hơn 117.000 liều, như vậy, chúng ta có khoảng 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất.

Bình luận