‘90 thỏa thuận trong 90 ngày’: Bài toán không dễ dàng cho chính quyền Trump

VOH - Trump khởi động cuộc đua 90 ngày với 90 cam kết song phương. Nhưng với một bộ máy thiếu nhân sự và niềm tin chưa vững, đây có thể là bài toán khó hơn ông đã nghĩ.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố một trong những mục tiêu táo bạo nhất trong nhiệm kỳ hai của ông, đó là đạt 90 thỏa thuận thương mại trong 90 ngày với các quốc gia đối tác sau khi tạm hoãn áp dụng các mức thuế đối ứng mới.

Nhưng phía sau khẩu hiệu hấp dẫn đó là một hệ thống đang quá tải, nhân lực thiếu hụt và niềm tin quốc tế chưa thể hồi phục.

Liên minh châu Âu (EU) - một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ với kim ngạch hai chiều đạt gần 1.000 tỷ USD mỗi năm - đã nhanh chóng cử Ủy viên Thương mại Maros Sefcovic tới Washington vào thứ Hai tới để khởi động đàm phán.

Tuy nhiên, điều nghịch lý là Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent - người được Tổng thống Trump giao điều phối chính sách thuế quan - lại vắng mặt và hiện đang công du Buenos Aires để bày tỏ ủng hộ với cải cách kinh tế của Argentina, một quốc gia có tổng thương mại với Mỹ chỉ khoảng 16 tỷ USD mỗi năm.

Sự vắng mặt đó không chỉ mang tính biểu tượng. Nó phơi bày vấn đề lớn hơn, đó là năng lực điều hành của bộ máy chính phủ Mỹ hiện không đủ để triển khai cùng lúc 90 cuộc đàm phán song phương thực chất.

Thực tế, nhiều vị trí chủ chốt trong Bộ Tài chính và Văn phòng Đại diện Thương mại vẫn chưa được Thượng viện phê chuẩn. Chính quyền phải dựa vào các công chức lâu năm trong khi thiếu vắng các phó đại diện, thứ trưởng và các nhóm kỹ thuật hỗ trợ.

3SAIXXAQNZOQZD3AXPVII3ALFA
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, ngày 9/4/2025 - Ảnh: REUTERS

“Không có cách nào đạt được một thỏa thuận toàn diện với bất kỳ quốc gia nào trong khoảng thời gian này”, trích bình luận của bà Wendy Cutler, cựu phó Đại diện Thương mại Mỹ và hiện là Giám đốc Viện Chính sách Xã hội Châu Á.

“Chưa kể, giữa các cố vấn thương mại cấp cao của ông Trump hiện cũng thiếu đồng thuận rõ ràng. Điều đó khiến các đối tác nước ngoài không biết họ đang đàm phán với ai, và theo chiến lược nào”, bà Cutler nói thêm.

Ngay cả khi thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh sau tuyên bố tạm hoãn thuế (chỉ số Dow Jones +1,5%, Nasdaq +2%) thì các tín hiệu tài chính khác vẫn cho thấy niềm tin chưa trở lại, khi lợi suất trái phiếu kho bạc tăng mạnh nhất kể từ năm 2001, đồng USD sụt giá, và vàng lập kỷ lục mới.

Điều này phản ánh tâm lý của các nhà đầu tư - phòng thủ trước rủi ro lạm phát, chính sách khó lường và một nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái nếu khủng hoảng thuế quan không sớm được tháo gỡ.

000_39KW4UF
Chính sách thuế mới của Mỹ đang gây tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến thương mại toàn cầu - Ảnh: AFP

Về mặt kỹ thuật, kỳ vọng đạt 90 thỏa thuận trong 3 tháng là điều phi thực tế. Ngay cả các thỏa thuận nhỏ trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump như sửa đổi Hiệp định thương mại với Hàn Quốc mất hơn 8 tháng, hay Hiệp định thương mại tự do mới giữa Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) cũng mất hơn 2 năm để hoàn tất.

Tổng thống Trump có thể tiếp tục dùng thuế quan như một đòn bẩy thương lượng - điều ông từng làm hiệu quả với Mexico hay Hàn Quốc trong nhiệm kỳ đầu. Nhưng lần này, ván cờ đã phức tạp hơn khi các đối tác thận trọng hơn, thị trường nhạy cảm hơn và bộ máy trong nước thì lại mỏng hơn, chia rẽ hơn.

Nếu Nhà Trắng không sớm đưa ra các kết quả thực chất và nhất quán, thì không chỉ kế hoạch 90 ngày sẽ thất bại, mà vị thế của Mỹ với tư cách là một đối tác thương mại hàng đầu cũng sẽ lung lay. Trong một thế giới đa cực đa trung tâm, nơi các liên minh kinh tế đang tái cấu trúc và các quốc gia ngày càng thực dụng, sự thiếu ổn định trong chính sách thương mại của Mỹ có thể khiến các đối thủ lấn lướt còn đồng minh thì do dự.

Với kế hoạch “90 ngày - 90 thỏa thuận”, Tổng thống Trump không chỉ đặt cược vào thành công của chính sách thuế quan, mà còn đang đặt uy tín chiến lược của nước Mỹ lên bàn cân.

Bình luận