Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ai Cập rơi vào giai đoạn đen tối dưới thời Tổng thống Sisi như thế nào?

VOH - Một thập kỷ trước, Hội đồng Tối cao Lực lượng Vũ trang Ai Cập tuyên bố chấp nhận ông Abdel Fattah al-Sisi làm ứng viên Tổng thống. Quyết định này có phải là sai lầm?

Hội đồng đã đưa ra nguyên tắc cơ bản, trở thành nền tảng cho sự cai trị của ông Sisi trong 10 năm sau. Đó là lợi ích của quân đội và giới lãnh đạo xem như tối thượng. Theo một số báo cáo, trong 10 năm qua, Ai Cập đã rơi vào khủng hoảng kinh tế xã hội thực sự.

c_Al_SISI
Tổng thống Sisi vừa kỷ niệm 10 năm cầm quyền tại Ai Cập - Ảnh: Britannica

Theo Middle East Eye, nhiều người dân Ai Cập gọi 1 thập kỷ cầm quyền của Tổng thống Sisi, là thời kỳ đen tối của đất nước. Vai trò của quân đội đã thay đổi, từ bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân, sang bảo vệ giới tinh hoa cầm quyền và can thiệp vào mọi khía cạnh kinh tế-xã hội.

Tổng thống Sisi – xuất thân từ 1 sĩ quan quân đội cấp cao, đã cho phép lực lượng vũ trang kiểm soát các nguồn tài nguyên khoáng sản. Phần lớn quân nhân dùng cho mục đích riêng. Điều này dường như để đổi lấy lòng trung thành và sự phục tùng.

Lòng trung thành của quân đội đối với Tổng thống Sisi, thậm chí còn liên quan đến các quyết định gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Ví dụ nhượng lại chủ quyền các đảo Tiran và Sanafir nằm ở vị trí chiến lược trên biển Đỏ cho Ả Rập Xê Út.

Mối quan hệ cùng có lợi giữa Tổng thống và quân đội giống như vầy, không phải mới tại Ai Cập. Quân đội từng can thiệp vào chính trị như năm 1977 và 2011. Quân đội tiếp tục can thiệp sau các cuộc biểu tình lớn năm 2019.

Xuất thân từ tướng lĩnh, giúp ông Sisi duy trì được sự ổn định, thông qua kìm chế tham vọng của các lãnh đạo quân đội, ngăn chặn họ thành lập liên minh ngầm có thể tiến hành đảo chính.

Ông rút ngắn nhiệm kỳ các lãnh đạo quân đội cấp cao như Tổng tham mưu trưởng, từ 4 năm xuống 2 năm. Tổng thống có quyền gia hạn thêm hoặc không. Do vậy, ông đảm bảo được lòng trung thành và luôn kiểm soát với lực lượng vũ trang.

Những người dám đe dọa quyền lực của ông Sisi, như cựu tham mưu trưởng Sami Anan, phải đối mặt với sự trừng phạt nghiệt ngã. Gần như ai cũng tin rằng, một cuộc đảo chính bây giờ nghĩa là tự sát.

Giống như mọi Tổng thống Ai Cập trước, ông Sisi làm việc không biết mệt để giữ vững ngai vàng. Sự kiện nổi dậy tháng 1/2011 có lẽ là bài học sâu đậm trong tâm trí ông.

Cuộc cách mạng lật đổ 30 năm cầm quyền của cố Tổng thống Hosni Mubarak năm 2011, khiến lực lượng an ninh gần như tê liệt trước người biểu tình. Tuy nhiên quân đội sau đó đã lấy lại quyền lực. Họ lập lại điều này năm 2013, khi lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi sau nhiều cuộc biểu tình của người dân.

Ông Sisi làm mọi cách để điều đó không lập lại. Ông kiểm soát xã hội để không có bất kỳ cuộc biểu tình nào, dẫu là nhỏ nhất. Chưa bao giờ xã hội dân sự cảm thấy ngột ngạt như 10 năm qua.

Trên mặt trận kinh tế, đường lối quản lý cứng nhắc, bổ nhiệm thân tín không có kinh nghiệm vào vị trí hàng đầu, khiến Ai Cập không thể đối phó các cuộc khủng hoảng trên thế giới, như Covid-19 hay chiến sự Nga-Ukraine. Lạm phát của quốc gia Bắc Phi thường xuyên trên dưới 30%, hàng triệu người từ trung bình trở thành nghèo đói mỗi năm. Tăng trưởng GDP, xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài đều đình trệ.

Lực lượng an ninh và bộ máy nhà nước Ai Cập vẫn đang chống lại ý nguyện của người dân, là muốn cải cách. Điều đáng kinh ngạc hơn, là sự im lặng của cộng đồng quốc tế. Hoa Kỳ đã phớt lờ những vi phạm nhân quyền, không những vậy còn ủng hộ các tổ chức quốc tế bơm hàng tỷ USD vào cứu kinh tế Ai Cập. Phương Tây lo sợ, nếu kinh tế Ai Cập sụp đổ, hàng triệu người tị nạn sẽ vượt biên đến châu Âu, gây ra cuộc khủng hoảng thực sự.

Ngoài quan hệ tốt với Hoa Kỳ, ông Sisi còn duy trì tình bạn hữu hảo với người láng giềng của mình và đồng minh quan trọng nhất của Washington ở Trung Đông, là Israel.

Với Tổng thống Sisi, dân chủ là mất quyền lực, mất ngai vàng, mất những bổng lộc khổng lồ. Với sự thất vọng về kinh tế xã hội như hiện nay, 1 cuộc bầu cử tự do chắc chắn người dân sẽ không chọn ông Sisi. Đó là lý do, viễn cảnh trên sẽ khó xảy ra, hoặc nếu có thì phe đối lập cũng không còn ai ra tranh cử, vì đều đã bị bỏ tù.

Nhiều chuyên gia nhận định, trong tương lai gần, viễn cảnh dân chủ, nhân quyền và cải cách sẽ khó xảy ra tại Ai Cập. Điều này cũng có nghĩa là, 1 thập kỷ đen tối vừa qua sẽ chưa thể chấm dứt.

Bình luận