Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ấn Độ hoãn việc thử nghiệm ghép nối vệ tinh không gian đến ngày 9/1

ẤN ĐỘ - ISRO vừa thông báo hoãn thử nghiệm ghép nối vệ tinh trong không gian SpaDeX đến ngày 09/01, nhằm thực hiện thêm các kiểm tra kỹ thuật.

Theo kế hoạch ban đầu, sứ mệnh ghép nối vệ tinh không gian Space Docking Experiment (SpaDeX) sẽ diễn ra vào ngày 07/01.

Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết, quá trình ghép nối cần được kiểm định thêm thông qua mô phỏng ở mặt đất, nhằm xử lý một tình huống hủy ghép nối vừa được phát hiện.

Các quan chức Ấn Độ nhấn mạnh rằng, tính phức tạp của sứ mệnh yêu cầu phải thực hiện các mô phỏng toàn diện trên mặt đất trước khi triển khai.

ve tinh (1)

Đây là lần đầu tiên ISRO thử nghiệm hệ thống ghép nối vệ tinh tự động hoàn toàn do Ấn Độ tự phát triển. - Ảnh: Reuters.

Sứ mệnh SpaDeX bao gồm hai vệ tinh Chaser và Target, mỗi vệ tinh nặng 220 kg, được phóng thành công bằng tên lửa PSLV vào ngày 30/12/2024.

Hai vệ tinh sẽ thực hiện thử nghiệm ghép nối tự động trên quỹ đạo thấp ở độ cao khoảng 470 km, với vệ tinh Chaser được lập trình để tiếp cận và ghép nối với vệ tinh Target.

Theo ông Jitendra Singh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ, sứ mệnh SpaDeX sẽ đánh dấu bước tiến quan trọng, đưa Ấn Độ gia nhập nhóm quốc gia làm chủ công nghệ ghép nối vệ tinh không gian.

Hiện nay, chỉ có Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) sở hữu công nghệ này.

Công nghệ ghép nối vệ tinh trong không gian sẽ đóng vai trò thiết yếu trong kế hoạch xây dựng Trạm Vũ trụ Bharatiya Antariksha (BAS) của Ấn Độ, trạm vũ trụ có người lái bay quanh Mặt Trăng, dự kiến hoàn thành vào năm 2040.

Đồng thời, công nghệ này cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong sứ mệnh Chandrayaan-4, dự kiến thực hiện vào năm 2028, với mục tiêu thu thập mẫu vật từ Mặt Trăng và đưa về Trái Đất thông qua cơ chế ghép nối tương tự.

Bên cạnh sứ mệnh SpaDeX, ISRO cũng triển khai thêm 24 thử nghiệm công nghệ khác trên phòng thí nghiệm không gian không người lái POEM-4 của tên lửa PSLV. Trong số này có cánh tay robot đầu tiên của Ấn Độ có khả năng di chuyển, thiết bị thu gom mảnh vụn vũ trụ và các tải trọng tiên tiến khác.

Những thí nghiệm này khẳng định nỗ lực của ISRO trong việc nâng cao công nghệ phục vụ các sứ mệnh không gian trong tương lai.

Bình luận