Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ấn Độ: Nhiều ngôi làng bị giới nghiêm sau khi có 2 người bị hổ vồ

(VOH) - Hàng trăm người dân ở miền bắc Ấn Độ được lệnh không rời khỏi nhà khi trời tối - sau khi có 2 người thiệt mạng vì hổ tấn công.

Lệnh giới nghiêm được ban hành vào ngày 16/4 cấm người dân ở hai quận của bang đồi núi Uttarakhand ra ngoài trong khoảng thời gian từ 7 giờ tối đến 6 giờ sáng. Các trường học cũng đã đóng cửa trong hai ngày, 17 và 18/4.

Các quan chức cho biết, hai vụ hổ vồ xảy ra vào ngày 13/4 và 16/4 nhưng không rõ liệu hai vụ này có phải do cùng một con hổ gây ra hay không.

"Chúng tôi nhận được cảnh báo về một con hổ trong lãnh thổ vào ngày 10/4. Chúng tôi đang liên tục theo dõi khu vực", quan chức kiểm lâm Swapnil Anirudh nói với AFP.

"Nhân viên vũ trang của chúng tôi cũng có mặt tại hiện trường... Khu vực này có ít con mồi hoang dã nên con người và gia súc là những mục tiêu dễ dàng" - Anirudh nói.

hổ vồ
Chính phủ Ấn Độ cho rằng, số lượng hổ ngày càng tăng cùng với việc mất môi trường sống và mở rộng đô thị đang dẫn đến nhiều cuộc tấn công hơn.

Đọc thêm: Hổ ngồi lề đường canh vồ người đi xe máy

Ít nhất 108 người đã thiệt mạng trong các vụ hổ tấn công ở Ấn Độ từ năm 2019 đến giữa năm 2021.

Các nhà bảo tồn đổ lỗi cho việc mở rộng nhanh chóng các khu định cư của con người xung quanh các khu rừng và hành lang quan trọng của động vật hoang dã là nguyên nhân làm gia tăng xung đột giữa người và động vật.

Năm ngoái, cảnh sát đã bắn chết một con hổ được mệnh danh là "kẻ ăn thịt người của Champaran" – con vật này đã giết chết ít nhất 9 người ở miền đông Ấn Độ.

Ấn Độ là nơi sinh sống của 75% quần thể hổ toàn cầu. Chính phủ Ấn Độ tuần trước cho biết, quần thể hổ hoang dã tại nước này đã tăng lên 3.167 con.

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, hổ đã mất hơn 93% phạm vi lịch sử trên toàn cầu trong 100 năm qua và hiện chỉ còn tồn tại trong các quần thể rải rác ở 13 quốc gia.

Năm 1900, ước tính có hơn 100.000 con hổ trên khắp hành tinh nhưng con số đó đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 3.200 vào năm 2010. Thời điểm đó, Ấn Độ và 12 quốc gia khác có quần thể hổ đã ký một thỏa thuận nhằm tăng gấp đôi số lượng của chúng vào năm 2022.

Bình luận