Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bí mật đằng sau cách tiếp cận của Ấn Độ về cuộc chiến Ukraine

VOH - Khi đến thăm Ukraine ngày 23/8, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được Tổng thống Volodymyr Zelenskiy chào đón nồng nhiệt.

Trước đó ông cũng được chào đón tương tự bởi Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi tới Moscow.

Lúc ông Modi thăm Nga, Tổng thống Zelenskiy viết lên mạng xã hội X với nội dung: “Thật là một sự thất vọng lớn, đòn giáng vào nỗ lực hòa bình, khi chứng kiến lãnh đạo nền dân chủ lớn nhất thế giới gặp người đàn ông ấy ở Moscow.”

Theo giới phân tích, chuyến thăm của ông Modi tới cả Ukraine và Nga, cho thấy lập trường trung lập của Ấn Độ vẫn được duy trì. Họ không lên án, cũng không ủng hộ Nga tấn công Ukraine. Hiện có vai trò như người cổ vũ hòa bình.

c_India_Ukraine
Thủ tướng Ấn Độ (trái) và Tổng thống Ukraine ngày 23/8/2024 - Ảnh: CNN

Cách tiếp cận cân bằng này, gặp nhiều áp lực từ phương Tây, nhất là Hoa Kỳ muốn Ấn Độ ủng hộ Ukraine hơn, thay vì duy trì quan hệ tốt với Nga.

Sau chuyến đi Ukraine, Thủ tướng Modi đã gọi điện cho Tổng thống Putin.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Thủ tướng Modi nhắc lại cam kết của Ấn Độ, trong việc ủng hộ giải pháp mang tính lâu dài, để kết thúc cuộc xung đột.

Ông Dinakar Peri, chuyên gia từ “Council for Strategic and Defense Research”, nói với Business Insider rằng, chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Modi mang tính biểu tượng. Mặc dù hình ảnh Ấn Độ là người gìn giữ hòa bình, phần nào mang tính ngoại giao, nhưng thực tế quốc gia Nam Á có vị thế độc đáo so với nhiều nước khác, bởi sở hữu mối quan hệ đặc biệt với Nga.

Ông Rahul Bhatia - nhà phân tích từ Eurasia Group nói rằng, mặc dù Ấn Độ không muốn đứng về bên nào trong cuộc chiến, nhưng họ thấy nguy cơ nghiêm trọng, nếu xung đột kéo dài. Thủ tướng Modi không đứng về phe nào, có thể khiến nhiều nhà quan sát phương Tây bối rối và thất vọng, nhưng New Delhi có mục tiêu kinh tế và chiến lược quan trọng đằng sau lập trường đó.

Ấn Độ từ lâu duy trì quan hệ ngoại giao khăng khít với Nga.

Trong chiến tranh lạnh, Ấn Độ dựa vào Moscow để nhận hỗ trợ quân sự, trong khi đối thủ Pakistan có Hoa Kỳ chống lưng. Hiện tại, Ấn Độ phụ thuộc vào Nga về nguồn cung dầu mỏ. Đất nước Nam Á đã vượt qua Trung Quốc, để trở thành bên nhập khẩu dầu nhiều nhất từ Nga.

Ông Peri nói thêm: “Hầu hết dầu Ấn Độ nhập từ Nga, thực tế đều được chuyển tới châu Âu. Ấn Độ chỉ là một kênh dẫn. Dầu Nga được tinh chế ở Ấn Độ, rồi chuyển tới châu Âu. Theo cách đó, Ấn Độ đóng vai trò trung gian, trong việc ổn định kinh tế toàn cầu, nếu không sẽ có những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.”

Ông Peri cũng chỉ ra sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Nga về thiết bị quân sự.

Khoảng 60% thiết bị quân sự của Ấn Độ có nguồn gốc từ Nga. Ấn Độ đã nhận hỗ trợ từ quốc gia khác trong vài thập kỷ qua, như Pháp, Israel và ngày càng nhiều từ Hoa Kỳ, nhưng vẫn thiên về Nga.

Dẫu vậy, cuộc chiến ở Ukraine cũng làm ảnh hưởng quan hệ giữa Ấn Độ với Nga.

Hoa Kỳ đang gây sức ép, buộc Ấn Độ phải cô lập Nga.

Về phần mình, Ấn Độ lo ngại mối quan hệ ngày càng gần gũi của Nga với Trung Quốc – nước ủng hộ Moscow về mặt chính trị trong cuộc chiến hiện. Nếu Ấn Độ giảm quan hệ với Nga, có thể gián tiếp đẩy Moscow đến gần Trung Quốc hơn.

Do đó ông Peri nhận định, quan hệ Ấn Độ-Hoa Kỳ không chỉ liên quan tới Nga hay Ukraine, mà còn liên quan đến thương mại, chiến lược, lo lắng về Trung Quốc hoặc diễn biến phức tạp ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ấn Độ từ lâu lo ngại về Trung Quốc. Hai nước có tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya, bùng phát thành đụng độ khiến 24 người thiệt mạng năm 2020.

Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc thường xuyên ở thế đối đầu, tại khu vực tranh chấp Ladakh từ năm 2020. Mặc dù hai bên đã rút lui tới một số điểm xa hơn, nhưng tình trạng căng thẳng vẫn ngấm ngầm.

Ông Peri khẳng định, Ấn Độ phụ thuộc vào mối quan hệ tốt đẹp với Nga, để giúp giảm thiểu mối đe dọa đó.

Chuyên gia Bhatia thì đồng ý, Ấn Độ để mắt đến Trung Quốc khi hợp tác với Nga. Mặc dù New Delhi chấp nhận rằng, Nga và Trung Quốc sẽ dần trở nên gần gũi hơn, nhưng họ tin việc duy trì quan hệ tốt đẹp với Moscow, sẽ đảm bảo Nga vẫn trung lập khi căng thẳng biên giới Ấn Độ-Trung Quốc bùng phát.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng dựa vào mối quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ, giúp chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc. Hai bên đã khôi phục lại đối thoại bộ tứ Kim Cương, cùng với Úc và Nhật Bản năm 2017, để chia sẻ cách đối phó với Trung Quốc.

Đó là những lý do, Thủ tướng Modi được dự đoán sẽ tiếp tục duy trì ngoại giao cân bằng liên quan tới cuộc chiến Ukraine, cũng như gắn kết liên minh với Hoa Kỳ, trong lúc thận trọng theo dõi sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Bình luận