Tiêu điểm: Nhân Humanity

Biện pháp mới của Mỹ đối với các nguy cơ gián điệp từ Trung Quốc

(VOH) - Một trong những biện pháp mới mà Mỹ đang tiến hành thời gian gần đây trước những nguy cơ gián điệp từ Trung Quốc là tăng cường sàng lọc những học giả nước này ngay tại sân bay.

Câu chuyện của Keith Zhang

Keith Zhang là công dân Trung Quốc. Anh đến Mỹ với vai trò là nghiên cứu sinh khách mời của khoa khoa học tâm lý thuộc Đại học Brown trong vòng một năm. Cách đây không lâu, anh có chuyến bay trở về quê nhà. Khi có mặt tại sân bay quốc tế Boston Logan, Keith Zhang được yêu cầu đến khu vực bàn kiểm tra trước khi ra cửa máy bay. Lúc ấy, anh cũng chỉ nghĩ đây là một cuộc kiểm tra an ninh thông thường.

Nhưng không, khi Zhang vừa xuất hiện tại đó thì anh đã thấy hai sĩ quan Mỹ đầy đủ vũ trang đang đứng đợi mình. Sau đó, Zhang đã trải qua hai giờ đồng hồ thẩm vấn vì bị nghi ngờ là gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Zhang cho biết, cảnh sát Mỹ đã tra hỏi anh vì cho rằng Zhang tới Mỹ với mục đích đánh cắp các bí mật công nghệ.

Theo Giám đốc FBI - Christopher Wray, để đối phó với cái gọi là “chiến dịch sâu rộng” về hoạt động gián điệp kinh tế của Bắc Kinh, thì cứ mỗi 10 giờ trôi qua phía FBI sẽ lại tiến hành mở một hồ sơ chống gián điệp mới liên quan đến Trung Quốc.

Vào tháng 7 vừa qua, chính quyền Washington đã ra quyết định đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston. Mỹ gọi cơ quan này là “trung tâm gián điệp”.

Biện pháp mới của Mỹ đối với các nguy cơ gián điệp từ Trung Quốc
Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Houston, bang Texas, Mỹ đã bị đóng cửa vào tháng 7/2020. Ảnh: AP

Hiện nay, trong bối cảnh Mỹ đang thắt chặt việc giám sát công dân Trung Quốc vì những lo ngại liên quan gián điệp, thì việc sàng lọc du học sinh, học giả và nghiên cứu sinh Trung Quốc ngay tại sân bay dường như là biện pháp mới của Washington trước mối đe dọa này. Trong nhiều trường hợp, các thiết bị điện tử của những đối tượng trên đã được mang đi kiểm tra và không được trả lại trong nhiều tuần lễ.

Trở lại với trường hợp của Keith Zhang. Với Zhang, những cuộc kiểm tra như anh vừa trải qua hoàn toàn là “quấy rối”.

Zhang nói: “Nếu tôi đánh cắp bất kỳ dữ liệu hoặc tài sản sở hữu trí tuệ nào, tôi có thể gửi nó đi qua bộ lưu trữ đám mây. Việc lấy đi máy tính xách tay và điện thoại của tôi để kiểm tra là hành vi quấy rối không hơn không kém.”

Sau thời gian dài tra hỏi với nhiều lần bị phủ nhận và cho rằng đã nói dối, cuối cùng Keith Zhang cũng được lên máy bay về quê hương, tuy nhiên anh cho biết mình bị tổn thương nặng nề.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ đã “lạm dụng” quyền tư pháp để thẩm vấn và bắt giữ các sinh viên Trung Quốc tại Mỹ vì “những cáo buộc mang tính đơm đặt”.

Mặc dù vậy, sự nghi ngờ của các nhà chức trách Mỹ là có cơ sở. Một loạt cáo trạng gần đây chống lại các nghiên cứu sinh, sinh viên Trung Quốc đã chứng minh điều đó.

Công dân Trung Quốc và mối lo của Mỹ

Vào tháng 8 năm nay, Haizhou Hu - 34 tuổi, là học giả khách mời người Trung Quốc tại Đại học Virginia, đã bị bắt tại sân bay Quốc tế Chicago O'Hare khi đang chuẩn bị lên một chuyến bay về Trung Quốc.

Theo thông tin từ Bộ Tư pháp Mỹ, một cuộc kiểm tra thường lệ đã được thực hiện với Hu, và kết quả cho thấy máy tính xách tay của người này chứa mã phần mềm liên quan đến một nghiên cứu mà người này vốn không được phép sở hữu. Theo bản cáo trạng liên bang, mã phần mềm này được sử dụng trong quân sự.

Ngoài ra, mới đây Mỹ cũng đã bắt giữ nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc với cáo buộc che giấu mối quan hệ với quân đội Trung Quốc trong hồ sơ xin thị thực. Không chỉ vậy, một nhà khoa học nữ được cho là đã trốn đến lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco trước khi bị bắt; và một nhà nghiên cứu Trung Quốc khác đã tìm cách bỏ đi một ổ cứng bị hỏng, sau đó bị buộc tội phá hủy bằng chứng nhằm cản trở cuộc điều tra của FBI.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell khẳng định, các sinh viên nước ngoài đến Mỹ với mục đích học tập thực thụ thì đất nước này luôn rộng cửa chào đón, nhưng nếu “đội lốt” sinh viên thì “chúng tôi phải tự vệ”.

Sheena Greitens, phó giáo sư về các vấn đề công tại Đại học Texas, Austin, nói rằng có một “mối quan tâm ngày càng gia tăng” về việc chuyển giao công nghệ từ Mỹ sang Trung Quốc thông qua các kênh học thuật.

Biện pháp mới của Mỹ đối với các nguy cơ gián điệp từ Trung Quốc
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell: "Nước Mỹ luôn rộng cửa đối với những sinh viên thực thụ"

Tăng cường sàng lọc ở sân bay: biện pháp mới của Mỹ

Thông thường, nhân viên thực thi pháp luật ở Mỹ phải có lệnh khám xét nếu muốn kiểm tra các thiết bị điện tử của người dân, nhưng ở các sân bay là ngoại lệ. Theo đó, nhân viên chức năng chỉ cần có “nghi ngờ hợp lý” là có thể khám xét thiết bị điện tử của du khách tại ngay sân bay.

Theo tờ South China Morning Post, Mỹ đã thực hiện hơn 1.100 cuộc khám xét thiết bị điện tử của công dân Trung Quốc trong năm 2019, tăng 66% so với năm trước.

Các sân bay cũng được xem là “trạm dừng đối với luồng trao đối thông tin ra bên ngoài” vì đây là nơi tập trung cơ sở hạ tầng, pháp lý, trang thiết bị chuyên dụng và nhân sự phục vụ việc sàng lọc và là nơi hầu hết hành khách phải đi qua rời Mỹ.

Tăng cường giám sát, sàng lọc ngay tại sân bay đối với sinh viên, học giả, nghiên cứu sinh Trung Quốc là một trong những biện pháp mà Mỹ đang đẩy mạnh. Ảnh: BBC

Bên cạnh đó, ông John Demers, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, nói rằng việc sàng lọc sân bay là "có chủ đích hơn mọi người nghĩ". Ông tiết lộ quyết định sàng lọc dựa trên các trường học của học sinh khi còn ở Trung Quốc và ngành học của họ. Học giả khách mời thuộc các lĩnh vực khoa học tiên tiến và từ các tổ chức liên quan đến quân đội Trung Quốc có nhiều khả năng là mục tiêu được nhắm tới.

Đối với trường hợp của Hu và Zhang kể trên, cả hai đều nhận được học bổng do Hội đồng Học bổng Trung Quốc (CSC) cấp cho nghiên cứu của họ tại Mỹ.

CSC là tổ chức trực thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, chuyên cung cấp hỗ trợ tài chính cho các hoạt động trao đổi giáo dục giữa Trung Quốc và các quốc gia khác.

Theo một nghiên cứu gần đây do Đại học Georgetown thực hiện, CSC tài trợ cho khoảng 65.000 du học sinh Trung Quốc, chiếm 7% công dân Trung Quốc đang theo học ở nước ngoài. Tổ chức này cũng tài trợ cho số lượng sinh viên nước ngoài tương đương ở Trung Quốc. Tại quốc gia này, hệ thống giáo dục và các nghiên cứu khoa học hầu hết đều thuộc sở hữu nhà nước, và chính quyền Bắc Kinh được cho rằng luôn có tầm ảnh hưởng và quyết định trong các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Keith Zhang cho biết: "Chuyện các chính phủ tài trợ cho nghiên cứu khoa học là bình thường. Mỹ cũng tài trợ cho các trường đại học và phòng thí nghiệm công lập. Không có cách nào để tôi thuyết phục họ, nếu theo quan điểm của họ, tài trợ của chính phủ đồng nghĩa với việc chính quyền có tác động lên từng dự án nghiên cứu.”

CSC hiện đang bị giám sát gắt gao ở Mỹ, vì đây được coi là con đường mà Bắc Kinh có thể gây ảnh hưởng đối với du học sinh.

Vào ngày 31/8 vừa qua, Đại học Bắc Texas đã chấm dứt chương trình trao đổi với 15 nhà nghiên cứu Trung Quốc nhận tài trợ của CSC, điều này có nghĩa thị thực Hoa Kỳ của họ bị thu hồi. Đây dường như là trường hợp đầu tiên một trường đại học Mỹ cắt đứt quan hệ với CSC.

Nhiều giáo sư ở Mỹ tin rằng, việc giám sát một số công dân Trung Quốc nghiên cứu khoa học và công nghệ ở Mỹ, đặc biệt là những người được chính phủ Trung Quốc tài trợ, sẽ tiếp diễn bất kể kết quả của cuộc bầu cử Mỹ thế nào.

Đối với Keith Zhang, mặc dù bị ấn tượng bởi sự nghiêm túc trong học tập ở Mỹ và rất thích làm việc với các đồng nghiệp tại Đại học Brown, nhưng anh nói rằng sẽ không tính đến việc trở lại đất nước này lần nữa sau khi trải qua vụ kiểm tra nói trên.

Lo lắng về viễn cảnh ảm đạm trong quan hệ Mỹ - Trung, Keith Zhang đã bắt đầu vận động những người bạn đồng hương của mình ở Mỹ tính đến chuyện về nước.

“Nó rất đáng sợ. Tôi cảm thấy sự an toàn của mình có thể bị xâm hại bất cứ lúc nào. Chiến tranh Lạnh đã đến rất gần. Tình hình không thể đảo ngược được, bất kể ai sẽ là Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ", Zhang nói. 

Thanh Duyên (Theo BBC)

Bình luận