Tiêu điểm: Nhân Humanity

Biểu tình chống dự luật việc làm mới ở Indonesia biến thành bạo loạn

(VOH) - Hàng ngàn công nhân ở Indonesia đã xuống đường biểu tình ngày thứ ba liên tiếp sau khi Quốc hội nước này thông qua dự luật việc làm, hay còn gọi là luật ombinus gây tranh cãi.

Ngày 5/10, Quốc hội Indonesia với sự đồng thuận của 7 trong số 9 đảng đã chính thức thông qua dự luật việc làm mới (luật omnibus) dài hơn 1.000 trang với nội dung sửa đổi 79 điều luật hiện hữu.

Sau các cuộc biểu tình ôn hòa vào đầu tuần, thì trong hai ngày 7 và 8/10, đám đông biểu tình gồm hàng chục ngàn công nhân và sinh viên đã tiếp tục tập trung thành dòng người khổng lồ đổ về thủ đô Jakarta và nhiều thành phố khác như Yogyakarta, Medan, Makassar, Manado và Bandung - thủ phủ của tỉnh Tây Java - để phản đối dự luật mới này . Cuộc biểu tình đã tiến triển theo xu hướng bạo lực.

Hơn 9.000 nhân viên an ninh được huy động để bảo vệ dinh Tổng thống tại thủ đô JakartaCảnh sát cũng đã bắt giữ ít nhất 400 người biểu tình, trong số đó có nhiều người có trang bị cả vũ khí sắc nhọn.

Cảnh sát phải sử dụng hơi cay nhằm ngăn chặn người biểu tình từ rất nhiều trường trung học và đại học khi họ cố gắng tiếp cận khu dinh thự, biến những con đường thành một chiến trường đầy khói lửa. Những người biểu tình đã chống trả bằng cách ném đá và chai lọ vào cảnh sát.

Một đám đông giận dữ đốt trụ sở cảnh sát giao thông tại một ngã tư gần dinh tổng thống, trong khi những người biểu tình khác đốt lốp xe và rào chắn đường.

Những người biểu tình cho rằng luật việc làm mới (omnibus) sẽ có tác động tiêu cực, gây tổn hại đến công nhân và cả môi trường.

Biểu tình chống dự luật việc làm mới ở Indonesia biến thành bạo loạn
Đám đông khổng lồ hàng chục ngàn người xuống đường phản đối dự luật việc làm mới của chính phủ Indonesia ngày 8/10/2020. Ảnh: Straits Times
Biểu tình chống dự luật việc làm mới ở Indonesia biến thành bạo loạn
Người biểu tình phản đối dự luật việc làm mới (omnibus) vì cho rằng sẽ gây tổn hại đến đời sống người dân và ảnh hưởng đến môi trường. Ảnh: Reuters
Biểu tình chống dự luật việc làm mới ở Indonesia biến thành bạo loạn
Hơn 9.000 nhân viên an ninh đã được huy động để bào vệ Dinh Tổng thống ở thủ đô Jakarta ngày 8/101/2020. Ảnh: Straits Times

Tuy nhiên, chính phủ Indonesia cho rằng sự thay đổi được nêu trong luật mới là điều cần thiết để hồi phục nền kinh tế vốn đang suy thoái nặng nề chưa từng có vì đại dịch Covid-19.

Cụ thể, luật việc làm mới có nội dung chủ yếu nới lỏng một số quy định về kinh doanh, việc làm và môi trường trước đây, nhằm thu hút đầu tư và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Vào tháng 1 năm nay, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết đạo luật mới sẽ gỡ bỏ các rào cản hiện hữu, xây dựng một nền kinh tế mở thật sự đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

“Chúng tôi chỉ muốn đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ và đẩy nhanh tốc độ. Do đó các đạo luật liên quan cần phải có sự thay đổi tương ứng cho phù hợp, nhằm tạo ra các dịch vụ nhanh chóng, giải quyết thủ tục nhanh chóng, để từ đó Indonesia mới có thể phản ứng nhanh nhạy hơn với bất kỳ sự thay đổi nào của thế giới”, ông Widodo chia sẻ.

Mặc dù vậy, tầng lớp lao động Indonesia cho rằng dự luật mới sẽ làm tổn hại tới người lao động, những người vốn cũng đang quay cuồng với hậu quả kinh tế từ đại dịch Covid-19.

Theo đó, dự luật việc làm mới giảm thời gian nghỉ việc bắt buộc và cắt giảm tiền trợ cấp thôi việc của người lao động. Dự luật cũng cắt các khoản trợ cấp thôi việc bắt buộc do người sử dụng lao động trả, từ 32 tháng lương xuống chỉ còn 19 tháng - tùy thuộc vào thời gian lao động thực tế.

Ngoài ra, luật cũng tăng thời gian tăng ca tối đa lên 4 giờ/ngày và 18 giờ/tuần. Doanh nghiệp chỉ được cho nhân viên nghỉ 1 ngày trong tuần thay vì 2 ngày như trước đây. Luật cũng sẽ cho phép thuê lao động hợp đồng và lao động bán thời gian thay cho nhân viên toàn thời gian.

Đối với môi trường, các nhà hoạt động môi trường cũng bày tỏ lo lắng về việc dự luật mới sẽ đẩy nhanh và kéo dài sự hủy hoại với môi trường và hệ thống rừng nguyên sinh tại Indonesia. Theo quy định mới, các nghiên cứu về môi trường chỉ được yêu cầu đối với các khoản đầu tư được xem là mang rủi ro cao. 

Hiện tại, nền kinh tế Indonesia - vốn được đánh giá là lớn nhất khu vực Đông Nam Á - đã suy giảm đến 5,3% trong quý II năm nay vì những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Biểu tình chống dự luật việc làm mới ở Indonesia biến thành bạo loạn
Nhiều khu vực trở thành địa điểm khói lửa vì biểu tình ở Indonesia. Ảnh: Reuters
Biểu tình chống dự luật việc làm mới ở Indonesia biến thành bạo loạn
Người biểu tình đốt phá nhiều vật dụng và công trình công cộng ở Indonesia ngày 8/10/2020. Ảnh: Reuters

Mặt khác, các cuộc biểu tình với số lượng người lên đến hàng chục ngàn người đã làm dấy lên lo ngại về lây lan dịch Covid-19, khi Indonesia là nước đang có tỷ lệ lây nhiễm tăng nhanh và là quốc gia có số người tử vong vì Covid-19 cao nhất Đông Nam Á.

Chính phủ Indonesia ngày 8/10 cho biết tổng số ca bệnh được xác nhận trên toàn quốc đã lên đến 320.564 ca, trong đó có 11.580 ca tử vong. Riêng thủ đô Jakarta có 83.372 ca với 1.834 ca tử vong.

Bình luận